Tại Hội thảo, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) đã nêu ra 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thông qua sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, gồm: Hàng trăm sản phẩm truyền thông, tư liệu truyền thông về khuyến cáo, thông điệp phòng, chống dịch bệnh đã được sản xuất và đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hướng đến đối tượng người dân tộc thiểu số và người khiếm thính được quan tâm; các thông điệp truyền thông được làm mới, hình thức đa dạng; các hoạt động truyền thông của tổ chức quốc tế hướng đến các đối tượng đích chuyên biệt khi xác định các nhóm can thiệp, tác động để lan toả thông điệp (trẻ em, phụ nữ, giáo viên, già làng, trưởng bản, nhân viên y tế...); bổ khuyết hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh bằng tiếng nước ngoài và lan tỏa thông điệp đến cộng đồng quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo. (ảnh: Bộ Y tế)
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế thực hiện dự án truyền thông theo từng diễn tiến của dịch tới các cộng đồng khác nhau thông qua chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”, Chiến dịch “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chiến dịch “Niềm tin chiến thắng”, chiến dịch 5K. Các hoạt động của chiến dịch đã dành sự quan tâm đến những người ở các vùng khó khăn, ít tiếp cận thông tin hơn như cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, người khiếm thính... thông qua việc sản xuất các sản phẩm truyền thông chuyển ngữ, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, hướng dẫn điệu nhảy Ghen Cô Vy qua ngôn ngữ đồng bào dân tộc và các hoạt động truyền thông tại cộng đồng.
Đặc biệt, dự án Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng chống Covid-19 do Bộ Y tế phối hợp với Save the Children triển khai về công tác truyền thông phòng chống Covid-19 trong thời gian qua. Dự án được thực hiện tại 13 xã thuộc 5 tỉnh/thành phố là Sơn La, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị và thành phố Cần Thơ. Với hơn 400 buổi tập huấn, nói chuyện cộng đồng; phân phối 35.900 poster; hỗ trợ loa truyền thanh, di động... đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của người dân, nhất là dành sự quan tâm cho đồng bào dân tộc nói tiếng Thái, tiếng Bru-Vân Kiều, tiếng Paco, tiếng Khơ-me và tiếng H’Mong và thêm ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.
Tại Hội thảo, các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF, UNDP cũng đã có những chia sẻ và bài học kinh nghiệm về những hoạt động truyền thông đã phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện. Đồng thời, các tổ chức quốc tế đánh giá các hoạt động truyền thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sự đa dạng, phong phú, hướng tiếp cận mới mẻ trong nhiều hoạt động phòng, chống đã thu hút được cộng đồng xã hội hưởng ứng tham gia.
Tính đến ngày 25/9/2020, kho dữ liệu do Bộ Y tế cùng các tổ chức quốc tế thực hiện hơn 100 Infographics (tiếng Việt, tiếng dân tộc); hơn 50 TvSpot (tiếng Việt, tiếng dân tộc); hơn 10 RadioSpot (tiếng Việt, tiếng dân tộc); 2 MV ca nhạc (Bài hát Ghen Cô Vy version tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu và bài hát Vững tin Việt Nam) để truyền thông về phòng, chống Covid-19./.
PV