Chống Covid-19: Không thể dung thứ cho những hành vi coi thường kỷ cương phép nước

Thứ hai, 06/04/2020 09:24
Không thực hiện đúng nghĩa vụ, có hành vi chống đối, công dân ấy phải bị xử lý để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Việt Nam và toàn thế giới đang bước vào những thời khắc lịch sử quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Mỗi người, với ý thức của một công dân trước pháp luật, trước cộng đồng đã tuân thủ nghiêm túc biện pháp cách ly xã hội, như một cách góp phần đẩy lùi dịch bệnh này. Nhưng đâu đó vẫn còn những hành vi coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. Điều đó, đặc biệt trong thời điểm này là không thể dung thứ.

leftcenterrightdel
 Đối tượng Trần Văn Sơn (Ảnh: Công an Hải Dương)

Ngay trong những ngày đầu thực thi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nơi đã xuất hiện một số cá nhân phản ứng một cách tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ khi bị nhắc nhở phải đeo khẩu trang hoặc đo thân nhiệt theo quy định. Ông Phạm Văn Xoan ở thôn Tây An, xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương liên tục có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí dọa đánh cán bộ trực chốt khi bị nhắc nhở “phải đeo khẩu trang khi ra đường”. Bà Vũ Thị Thu Vân ở số 92 Đình Đông, phường Đông Hải, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng còn giật khẩu trang và tát vào mặt chiến sĩ công an khi bị yêu cầu đo thân nhiệt. Trần Văn Sơn ở phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương định dùng dao chém Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vì “dám” nhắc nhở mẹ Sơn phải đeo khẩu trang.

Theo Luật sư Võ Đình Hải - Văn Phòng Luật sư Phúc Nguyên - Hà Nội, thì đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe. 

"Nhiều người không đeo khẩu trang tức là không bảo vệ chính mình mà còn là vi phạm hành chính, khi bị nhắc nhở lại cãi vã, chống lại lực lượng chức năng là chống người thi hành công vụ…Theo quy định không đeo khẩu trang bị phạt, ngoài ra nếu có nhiễm virus mà truyền lại cho người khác có thể bị xử phạt bằng luật hình sự có thể đến 10 năm tù…Trong lúc này là phải xử lý thật nghiêm mới được", luật sư Võ Đình Hải nêu rõ.

leftcenterrightdel
 Giáo dân giáo xứ Nghĩa Yên vẫn tụ tập hành lễ sáng 5/4 (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

 

Trong khi cả nước thực hiện nghiêm biện pháp “cách ly xã hội”, “giãn cách xã hội”; trong khi nhiều tôn giáo, cơ sở thờ tự chấp hành “Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự” theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; trong khi phần lớn bà con theo đạo chấp hành tốt chủ trương cách ly xã hội thì một số giáo xứ ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn rung chuông làm lễ với sự tham gia của hàng trăm người ở mỗi địa điểm.

Giáo hoàng Francis từng nói rằng “Người giáo dân tốt phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc…”. Vậy thì, đức tin và bổn phận của họ ở đâu khi họ bất chấp quy định, tập trung hàng trăm người trong thời điểm quyết định sự thành, bại chống đại dịch Covid-19 này? Rõ ràng, việc làm này đã đi ngược với chủ trương chung, đi ngược lợi ích chung của cả cộng đồng, gây bất ổn về tình hình chính trị cơ sở, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn- Trung tâm Bảo trợ tư pháp người nghèo Việt Nam-Khu vực miền Trung, việc đồng bào công giáo tụ tập đông người trong thời điểm này vừa coi thường tính mạng sức khỏe của chính họ, vừa coi thường sự an nguy của cộng đồng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần bị xử lý nghiêm và kịp thời.

"Đồng bào công giáo tụ tập đông người để hành lễ thể hiện sự bất chấp đạo lý và pháp luật không thể chấp nhận được. Trong lúc này những hành vi này là vi phạm Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cần bị xử lý theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định hướng dẫn thi hành… Những người công giáo tụ tập ở Hà Tĩnh tôi đề nghị cơ quan chức năng cần điều tra và xử lý thật nghiêm", ông Tuấn đề nghị.

Luật sư Nguyễn Tú - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, trong khi cả nước thực hiện những quy định của Chính phủ, những khuyến cáo của các ngành chức năng để mong đẩy lùi đại dịch thì việc một số người không tuân thủ đúng quy định về phòng chống dịch, ngang nhiên tổ chức hành lễ là hành vi không thể chấp nhận được.

"Ở Hà Tĩnh vẫn tổ chức hành lễ với hàng trăm giáo dân… việc làm đó không thể chấp nhận trong điều kiện hiện nay. Những hành vi đó không những coi thường tinh mạng sức khỏe của cộng đồng mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Nếu chúng ta không kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời thì họ khó mà giúp họ tỉnh ngộ cũng như cảnh tỉnh cả cộng đồng", luật sư Tú nêu quan điểm.

Trước sự đe dọa về sức khỏe, tính mạng con người của đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch; Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ liên tiếp ban hành những quyết sách đúng đắn, tạo sự đồng thuận cao nhất trong toàn xã hội. Nghĩa vụ của mỗi công dân là thực hành nghiêm, chấp hành nghiêm những quy định, những quyết sách đó, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Và, một khi công dân không thực hiện đúng nghĩa vụ, có hành vi chống đối, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng, bất chấp quy định thì đương nhiên, công dân ấy phải bị xử lý trước pháp luật để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước./.

Theo VOV.VN


Đối tượng Trần Văn Sơn (Ảnh: Công an Hải Dương)
Đối tượng Trần Văn Sơn (Ảnh: Công an Hải Dương)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra