Dịch COVID-19: Điều chỉnh, thay đổi các cấp độ, lĩnh vực đời sống để kiểm soát dịch bệnh và chung sống an toàn

Thứ hai, 20/04/2020 13:48
(ThanhtraVietNam) – Việt Nam đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân để kiểm soát được dịch Covid-19 và chung sống an toàn.

4 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới

Theo tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến 6h sáng nay Việt Nam không có thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Như vậy, trong 4 ngày liên tiếp (từ 6h ngày 16/4/2020 đến 6h ngày 20/4/2020) tổng số trường hợp Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 268 người.

Trong 268 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 62.998, gồm: 279 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.338 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 51.381 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Đáng chú ý, tại Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do vi rút SARS-CoV-2. Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã điều trị bình phục cho 202 người (chiếm 75%). Trong số 66 ca hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đã có 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2; 07 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, đến 9h ngày 20/4/2020, trên thế giới có tổng số 2.406.905 người tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 165.058 tử vong (chiếm 6,86 %). Các quốc gia có số ca nhiễm cao trên thế giới là Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ…

Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Bộ Y tế G20 về tác động của Covid-19 diễn ra từ 19h đến 23h (giờ Việt Nam), Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, Chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Việt Nam đã áp dụng chiến lược “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

leftcenterrightdel
 Biểu đồ tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam tính đến 6h ngày 20/4/2020 (nguồn: Bộ Y tế)

Theo đó, các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế. Ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân. Qua đó, giúp ngành Y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân.

Tiếp tục kiên định, quyết liệt các biện pháp đã thực hiện

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) với 63 địa phương diễn ra chiều 17/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng.

Theo Phó Thủ tướng, trước hết, chúng ta nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh, nhưng kiểm soát được ở đây cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là chúng ta kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng, thành những ổ dịch lớn, lây lan rộng, vượt khả năng kiểm soát, điều trị.

Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.

Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. “Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực, nhanh hơn theo hướng đúng đắn. Tôi mong rằng các bộ, ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. Mặc dù, còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Hoàng Minh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra