Ghi nhận 1.063 trường hợp mắc Covid-19
Việt Nam đã ghi nhận trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập đầu tiên ngày 23/01/2020. Tính đến ngày 13/9/2020, Việt Nam đã ghi nhận 1.063 trường hợp mắc Covid-19 được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế ở 38 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 372 trường hợp nhập cảnh và 691 trường hợp mắc tại cộng đồng, tử vong 35 trường hợp (Đà Nẵng có 31 trường hợp, Quảng Nam có 03 trường hợp, Quảng Trị có 01 trường hợp, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng).
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được chia làm 4 giai đoạn. Cụ thể:
Giai đoạn thứ nhất từ 22/1 đến 05/3, cá nước đã có 16 trường hợp mắc tại 4 tỉnh, thành phố, không ghi nhận trường hợp tử vong. Từ 13/02/2020 đến 05/3/2020, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Giai đoạn thứ hai từ 06/3 đến 22/4, cả nước ghi nhận 252 trường hợp mắc tại 29 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc chủ yếu là các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ (đặc biệt chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam), trong đó có 148 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài, 104 trường hợp lây nhiễm thứ phát trong nước.
Giai đoạn thứ ba từ 23/4 đến 22/7, cá nước ghi nhận 147 trường hợp mắc tại 18 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong. Toàn bộ số ca mắc đều là các trường hợp trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng.
Giai đoạn thứ tư từ 23/7 đến ngày 13/9, cả nước đã ghi nhận 648 trường hợp mắc, ghi nhận 35 trường hợp tử vong, trong đó có 61 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 587 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cho biết, tính đến 6h sáng nay (ngày 22/9) Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 23.725 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 384 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 14.808 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 8.533 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến 6h sáng ngày 22/9, Việt Nam có 15 ca âm tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2; 02 ca âm tính lần 2 và 19 ca âm tính lần 2. Đồng thời, có 35 ca tử vong liên quan đến Covid-19 và 947 ca đã được điều trị khỏi.
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngày 13/9/2020. (ảnh: Bộ Y tế)
Thông báo số 337/TB-VPCP ngày 21/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 18/9/2020, nêu rõ: “Dịch bệnh Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát tốt, cả nước đã có 16 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch, cả nước đã khẩn trương, tích cực thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, nhất là ngành Y tế và các địa phương đã quán triệt tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19”.
Như vậy, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh nhất là khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế.
Cần thay đổi linh hoạt chiến lược xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 13/9/2020, cả nước có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỳ thuật Realtime RT-PCR. Trong đó, ngành Y tế có 118 phòng, các ngành khác có 19 phòng (8 phòng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 phòng thuộc Bộ Quốc phòng, 1 phòng thuộc Bộ Công an) với công suất xét nghiệm tối đa hơn 51.125 mẫu/ngày. Có 75/137 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (30 cơ sở y tế tuyến Trung ương và Bệnh viện; 32 Trung tâm kiểm soát bệnh tật; 13 đơn vị ngoài ngành Y tế) với công suất xét nghiệm tối đa hơn 40.550 mẫu/ngày.
Kết quả thực hiện xét nghiệm cho thấy, tính đến ngày 13/9/2020, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được hơn 1.076.811 mẫu, trong đó xác định 1.063 trường hợp mắc Covid-19. Tỷ lệ phát hiện dương tính với vi rút khoảng 0,1% cho thấy việc sử dụng nguồn lực hợp lý hơn bằng cách lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm là rất quan trọng trong bối cảnh đang thiếu sinh phẩm trên toàn cầu. Số mẫu xét nghiệm ở giai đoạn thứ tư tăng liên tục, đặc biệt có ngày xét nghiệm tới gần 30.000 mẫu, cao nhất là tuần từ 10/8-16/8 với trung bình gần 25.000 mẫu/ngày.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng kể từ ngày 25/7/2020, ngày 07/8/2020, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm giảm thời gian xét nghiệm và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực xét nghiệm. Bộ Y tế cùng đã thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2; thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm bao gồm các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các đơn vị trực thuộc; phối hợp với WHO, USCDC để các phòng xét nghiệm tham gia hệ thống ngoại kiểm xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hiện còn diễn biến phức tạp và có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, chiến lược xét nghiệm cần thay đổi linh hoạt cho phù hợp tình hình dịch bệnh và năng lực xét nghiệm của quốc gia và của từng địa phương, khu vực./.
Hoàng Minh