Ngày 3/2, Đoàn công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai nhằm ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra tại BVĐK tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Bộ Y tế)
Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt kiểm dịch phường Cheo Reo, Thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa; Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai nơi có bệnh nhân vào điều trị qua sàng lọc đã phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi nghe Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Bá Mỹ báo cáo sơ bộ tình hình bệnh viện, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý Bệnh viện cần đảm bảo về cơ số thuốc, vật tư tiêu hao để điều trị cho các bệnh nhân; chú ý công tác phân luồng bệnh nhân. Đặc biệt, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ cần chú ý đến tiền sử dịch tễ, thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Bệnh viện cần sẵn sàng khoa nhiệt đới để thu dung, điều trị nhưng phải có phân khu để tránh lây nhiễm chéo.
Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến 06h ngày 3/2, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, ngành Y tế của tỉnh đã tập trung điều tra dịch tễ các ổ dịch và truy vết được 5.473 trường hợp, trong đó có 1.197 trường hợp (F1) liên quan tiếp xúc gần với ca bệnh và 4.276 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Sở Y tế đã huy động 50 cán bộ y tế tăng cường hỗ trợ 3 địa phương là Ia Pa, Krông Pa, Thị xã Ayun Pa, tập trung điều tra xác minh, truy vết các trường hợp có liên quan.
Bên cạnh đó, Gia Lai đã lấy 1.007 mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, kết quả là 14 mẫu dương tính, 734 mẫu âm tính, còn 259 mẫu đợi kết quả. Hiện tại, các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh đang tiếp nhận điều trị 14 trường hợp dương tính; đa số các trường hợp chưa ghi nhận các dấu hiệu suy hô hấp và các biến chứng nặng…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu. (Ảnh: Bộ Y tế)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành chia sẻ, lần đầu tiên xuất hiện ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn nên địa phương cũng có sự lúng túng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ rất kịp thời của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch, hiện tỉnh đã có chỉ thị tạm dừng các sự kiện, lễ hội không cần thiết diễn ra trong thời điểm này.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Gia Lai, nhất là về vấn đề chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Ông Võ Ngọc Thành cho rằng, cần có thêm kênh thông tin chính thống, cập nhật thường xuyên, để người dân kịp thời tiếp nhận và có trách nhiệm khai báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Y tế)
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Gia Lai khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, ông đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia Đoàn công tác để tham mưu cho tỉnh có những biện pháp phòng, chống dịch kịp thời hiệu quả. Hơn nữa, hiện nay dịch đã có vi rút biến chủng, có tốc độ lây lan rất nhanh, vì vậy tỉnh cần triển khai khẩn trương truy vết thần tốc, kịp thời khoanh vùng, thực hiện cách ly, tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Mặt khác, thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, khi có tình huống kịp thời xử lý ngay, không chờ đợi cấp trên.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Gia Lai kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch toàn tỉnh, triển khai họp BCĐ tỉnh với các huyện, huyện với các xã để có phương án sẵn sàng ứng phó khi có tình huống mới, có thể xử lý kịp thời ngay. Cùng với đó, thực hiện truy vết thần tốc các đối tượng F1; đẩy nhanh xét nghiệm, trong đó ưu tiên xét nghiệm cho đối tượng F1. Đặc biệt, phải chú ý đến vấn đề tiền sử dịch tễ, nếu có trường hợp nghi ngờ, phải xử lý ngay. Về điều trị, các địa phương trong tỉnh cần bố trí cơ sở điều trị, phân luồng để kịp thời xử lý khi có ca bệnh nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 cũng như để điều trị các bệnh nhân nặng.
Về việc triển khai bệnh viện dã chiến, tỉnh cần xây dựng phương án để khi có tình huống sẽ kịp thời triển khai ngay; xây dựng lực lượng; số lượng khoa phòng, trang thiết bị, vật tư,… để kịp thời thu dung, điều trị cho các bệnh nhân./.
PV