Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: Bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch

Thứ tư, 15/04/2020 09:36
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP nêu rõ các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất lớn, động viên kịp thời nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài như hiện nay.

Hỗ trợ lên đến 1.800.000 đồng/người/tháng

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các nước, đối tác lớn của nước ta. Ở trong nước, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn và tình hình có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, những người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ dựa theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

leftcenterrightdel
Đồ họa vtv 

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy vào tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Đặc biệt, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ

Nguyên tắc hỗ trợ đối với các đối tượng được Nghị quyết đề ra rất rõ ràng. Cụ thể, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách trở lên tại Nghị quyết này chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Đồng thời, ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra