Không người lao động nào bị… bỏ lại phía sau

Thứ năm, 02/04/2020 17:37
(ThanhtraVietNam) – Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là đối với người lao động. Bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu… là thực tế mà không ít người lao động đang phải đối mặt. Trước thực trạng này, Chính phủ đã có những biện pháp mạnh hỗ trợ để không người lao động nào bị bỏ lại phía sau.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành

Ngay từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm khoanh vùng và chủ động trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt, trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 Chỉ thị, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Chỉ thị 11 đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020 các vấn đề sau: (1) Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; (2) Thực trạng và giải pháp quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.

leftcenterrightdel
 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 (Ảnh: Chính phủ)

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai các giải pháp thực hiện nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

Ngày 25/3/2020, Bộ LĐTBXH có công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL gửi các doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Trong đó, đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp, người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly… thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Theo đó, tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động…

Kịp thời hành động

Chiều ngày 31/3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.

Sáng ngày 01/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 với nội dung trọng tâm là bàn về các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết và giao các Bộ chức năng rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo thầm quyền.

Dư thảo Nghị quyết nêu rõ về nguyên tắc sẽ hỗ trợ tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất thiếu việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch. Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ để cùng đảm bảo mức sống cho người lao động. Việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Sẽ có 6 nội dung hỗ trợ, với các đối tượng. Trong đó, hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5, 6/2020) cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động).

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5, 6/2020) cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, đến cuối tháng 3/2020, cả nước có trên 560.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số hơn 179 quốc gia, vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm dịch COVID-19. Số lượng lao động về nước không nhiều, chủ yếu là lao động hết hạn hợp đồng về nước. Tổng số người lao động về nước từ tháng 1 đến gần cuối tháng 3/2020 là 4.929 người, tập trung chủ yếu là từ một số thị trường chính là Nhật Bản với 2.978 người, Hàn Quốc có 1.255 người, Đài Loan có 633 người.

Bên cạnh việc tiếp nhận lao động về nước, Bộ LĐTBXH đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quyết định mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ bị ảnh hưởng, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, Bộ sẽ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn internet

Nhiều địa phương triển khai chính sách hỗ trợ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Trong đó Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương đầu tiên trên cả nước có những chính sách riêng hỗ trợ.

Chiều 27/3, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập kỳ họp bất thường thứ 19 khóa IX, biểu quyết thông qua nhiều chính sách hỗ trợ tăng thêm trong đợt dịch COVID-19 theo đề xuất của UBND Thành phố.

Theo Nghị quyết, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Nhà nước, bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 với kinh phí hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung (không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, công an, quân đội và lực lượng tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ mức 120.000 đồng/ người/ngày. Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập và công nhân vệ sinh trực tiếp tham gia chống dịch được hỗ trợ 3 cái khẩu trang/người/tháng.

Dự kiến tổng nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động, chế độ hỗ trợ công tác phòng chống dịch khoảng 2.700 tỉ đồng.

Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020. Theo đó, Nghị quyết thống nhất mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch và viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ khả năng để chi trả. Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.

Có thể thấy, sự hỗ trợ của Chính phủ và một số Bộ, ngành, địa phương đối với người dân, người lao động lúc này là vô cùng ý nghĩa. Nó thể hiện tinh thần nhân văn đoàn kết, đùm bọc như truyền thống tốt đẹp vốn có của người dân Việt Nam./.

Minh Nguyệt

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra