Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông cần bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang

Thứ sáu, 16/10/2020 08:48
(ThanhtraVietNam) – Đó là khuyến cáo của Bộ Y tế đối với những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang…tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 15/10 tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Dịch Covid-19: Chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông xuân

Cẩn trọng đối với người nhập cảnh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến chiều 15/10, thế giới ghi nhận 38,8 triệu người mắc Covid-19, gần 1,1 triệu người tử vong tại 216 quốc gia, vùng lãnh thổ. Châu Âu đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên. Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt hạn chế trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại.

Trong khi đó, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh khi 43 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, chủ quan vì dịch bệnh có thể xâm nhập từ bên ngoài vào và bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh 3 nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; từ một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19” với các tiêu chí an toàn trong tình hình “bình thường mới” khả thi hơn.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Hiện nay, người nhập cảnh vào Việt Nam được xét nghiệm 3 lần, thay vì 2 lần như quy định trước đây để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Về các biện pháp quản lý người nhập cảnh, Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành hệ thống quản lý thông tin tập trung, thống nhất tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập để các cấp chính quyền tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, lực lượng y tế, công an nắm được cụ thể trên địa bàn quản lý số lượng người người nhập cảnh đã hết thời gian cách ly tập trung và đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp… Chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế có trách nhiệm quản lý, thăm hỏi, cập nhật thông tin sức khoẻ hàng ngày của những người này.

Đồng thời, Bộ Y tế sớm hoàn thiện và hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… thực hiện nhiệm vụ tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; cập nhật lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19” (www.antoancovid.vn), trước mắt sẽ triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục.

Tại cuộc họp, các bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an đã thống nhất chủ trương, phương án để đón thật nhanh các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.

Các chuyên gia cho rằng việc mở lại đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải chọn nơi an toàn, thận trọng, từng bước. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý có những hành khách có thể đến những vùng có nguy cơ dịch cao. Việc này đòi hỏi các cơ quan chuyên môn phải có hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể.

Nâng cao ý thức cộng đồng, không thể chủ quan

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Đặng Quang Tấn, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã kiểm soát tốt nhưng chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác bởi điều kiện thời tiết mùa đông đang đến gần rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan. Do đó, cần tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường công tác truyền thông.

Cùng với việc tăng cường công tác truyền thông với Thông điệp 5K của Bộ Y tế là “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đồng người - Khai báo y tế”, Bộ Y tế khuyến cáo nên áp dụng biện pháp bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang, nhất là ở những khu đô thị lớn, mật độ dân cư đông.

“Thời gian qua nhiều địa phương đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là quy định của TP. Hồ Chí Minh khi bắt buộc người dân đeo khẩu trang, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt (nếu có vi phạm) như TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ xây dựng những hướng dẫn rất cụ thể như khi nào, ở đâu, trường hợp nào buộc phải đeo khẩu trang để người dân thực hiện đúng nơi, đúng lúc, hiệu quả nhất trong phòng chóng dịch bệnh”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm tinh thần cảnh giác rất cao. Lúc tình hình dịch thì nhắc nhau phải bình tĩnh, khi tình hình tốt thì nhắc nhau phải cảnh giác”. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại. Trong 24 giờ vừa qua đã ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa.

Theo Phó Thủ tướng, lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và rộng ra toàn xã hội”.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt. Khi hết thời hạn cách ly tập trung, người nhập cảnh phải được theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra