Tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly và cộng đồng
Nhận định về tình hình dịch trong nước, Bộ Y tế cho biết, hôm nay là ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca nhiễm tại TPHCM đã có kết quả âm tính với SAR-CoV-2.
Tuy nhiên, trên các chuyến bay giải cứu và đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly, phòng chống COVID-19 theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực. Trong khi đó, thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vụ việc lây nhiễm ở TPHCM hoàn toàn có thể xảy ra ở nơi khác nếu chúng ta lơ là. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn khi nhập cảnh, cũng việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép.
Qua vụ việc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng ở TPHCM, các thành viên Ban Chỉ đạo, và các chuyên gia đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân thời gian gần đây, nhiều tiếp viên hàng không mắc COVID-19; hoạt động của các cơ sở cách ly dân sự; trách nhiệm giám sát các khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, giám sát y tế người hết thời gian cách ly tập trung…
Sau khi phân tích tình hình thực tế, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng có tình trạng hành khách trên một số chuyến bay giải cứu không tuân thủ các quy định phòng chống dịch như không đeo khẩu trang khi ở trên máy bay, vì vậy, đề nghị có giám sát bằng camera để xử lý nghiêm những người vi phạm.
Các địa phương, lực lượng phòng chống dịch cần triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ cửa khẩu, biên giới, người nhập cảnh, công tác cách ly, không được lơ là, mất cảnh giác; tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước đảm bảo an toàn;… đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; rà soát lại toàn bộ các quy định, quy trình, có chế tài mạnh, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 để bảo đảm răn đe.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại: Không làm chặt chẽ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tất cả các bộ, ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của mình. Đây là thời kỳ cao điểm.
Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù cần tiếp tục theo dõi nhưng có thể nói đến nay tình huống lây nhiễm COVID-19 ở TPHCM cơ bản được kiểm soát.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của TPHCM, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh, sau 48 tiếng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đã xác định được toàn bộ các ca F1, F2, chủ động lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly. Đây là tiến bộ lớn về khả năng dập dịch của chúng ta. Tuy nhiên, từ vụ việc lây nhiễm ở TPHCM, chúng ta cần xem xét, phân tích kỹ nguyên nhân do đâu để có giải pháp thật thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, cả số ca nhiễm mới và tử vong đều tăng cao, trong khi khả năng tiếp cận vaccine nhanh nhất cũng phải cuối sang năm, vì vậy, chúng ta phải tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt là mùa đông đã đến, đất nước sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị-xã hội lớn, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã xác định các nguy cơ nguồn bệnh chủ yếu là từ người nhập cảnh (hợp pháp, trái phép), cộng đồng, thực phẩm nhập khẩu từ nước có dịch. Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phải đón chuyên gia, lao động, kỹ thuật và phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội, đón bà con người Việt ở các vùng dịch, vì vậy, nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất…
Tất cả các biện pháp phòng chống dịch đã được quy định hết sức đầy đủ và được tập huấn trực tiếp, quán triệt tỉ mỉ đến tận các cấp chính quyền địa phương, vì vậy, chính quyền địa phương các cấp phải phát huy chủ động, trách nhiệm của với sự tham mưu của ngành y tế, phối hợp chặt chẽ của ngành công an.
Qua vụ việc lây nhiễm ở TPHCM, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt các quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước. “Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh. Các cơ sở cách ly dân sự phải được chính quyền địa phương quyết định chấp thuận trên cơ sở tham mưu của ngành y tế.
Về cách ly tại nhà riêng, các quy định của Ban Chỉ đạo chỉ cho phép thực hiện những nơi đảm bảo đủ điều kiện y tế, và về cơ bản không được cách ly ở khu chung cư.
Những cơ sở cách ly dân sự, cách ly tại nhà riêng phải có biển báo, thông báo cho người dân sinh sống lân cận.
Thông báo về tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện các đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đề nghị các bộ ngành liên quan, ủng hộ, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.
Theo Chinhphu.vn