Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt sâu sắc quan điểm vai trò từng xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là những “pháo đài” vững chắc trong việc kiểm soát và phòng, chống dịch; mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một “chiến sỹ”. Khẩn trương triển khai ngay việc rà soát tất cả các trường hợp về/đến từ các tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, người về từ ngoài tỉnh; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt Tổ COVID-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với các trường hợp đi về từ ngoài tỉnh; tập trung quyết liệt kiểm soát, khống chế các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian ngắn nhất, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây lan dịch bệnh.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh lân cận và các thành phố lớn để đánh giá toàn diện, đầy đủ về những nguy cơ dịch xâm nhập trở lại địa bàn huyện, thị xã, thành phố, từ đó chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, sát thực tế, hiệu quả trên địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm soát, giám sát người vào địa bàn; đặc biệt, Tổ COVID-19 cộng đồng tiếp cận từng hộ gia đình, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện khai báo y tế khi có đi ngoài tỉnh vào hoặc có người thân ngoài tỉnh về thì phải khai báo y tế theo quy định.
Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống loa, đài, thông tin đến ấp) để những người dân đi ra khỏi tỉnh trở về chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thường xuyên phát các bản tin trên hệ thống loa đài truyền thanh cấp xã, ấp, khu vực, khu dân cư, thông báo kịp thời, đầy đủ các trường hợp, hộ gia đình đang thực hiện cách ly y tế tại nhà để người dân biết và cùng tham gia giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng bóc tách F0 tại thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A. Ảnh: baohaugiang.com.vn
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các tiêu chí đánh giá và công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc thẩm quyền của địa phương, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh. Tăng cường năng lực y tế, nhất là năng lực điều trị ở cơ sở để phân loại, điều trị kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Rà soát, bổ sung trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, bảo hộ phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng cho các kịch bản, cấp độ dịch, không để thiếu, bị động, bất ngờ; sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất để kích hoạt ngay khu điều trị COVID-19 khi có dịch. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho 100% người dân từ đủ 18 tuổi trở lên trong toàn tỉnh; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Nhằm chuẩn bị triển khai tiêm trả mũi 2 cho người dân với quy mô lớn, Sở Y tế và các địa phương khi xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng cần bổ sung nội dung thực hiện xét nghiệm tất cả người dân trước khi tiêm, theo hình thức xét nghiệm đến đâu, tiêm trả mũi đến đó; xem đợt xét nghiệm này là đợt sàng lọc cộng đồng để đánh giá tình hình, nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn. Trong quá trình tiêm vắc xin cần lưu ý tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo thực hiện quy định “5K”, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và an toàn tiêm chủng. Các địa phương cần quản lý chặt danh sách đối tượng tiêm trả mũi, thông báo trước thời gian, điểm tiêm, các biện pháp đảm bảo an toàn đến từng đối tượng được biết; đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, khoa học, hợp lý và minh bạch.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; nhất là lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn tham gia cùng chính quyền địa phương tập trung công tác hướng dẫn, kiểm tra việc người dân tuân thủ “5K”, các quy định cách ly y tế, theo dõi sức khoẻ tại nhà. Xử lý nghiêm, kịp thời các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch. Chịu trách nhiệm thiết kế mẫu cam kết và triển khai cho cam kết đối với người đi từ các vùng đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp trở về địa phương phải theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại gia đình và cách ly tập trung.
Đồng thời, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp phải có phương án, kế hoạch hoạt động trên cơ sở kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại nơi làm việc; những nơi không có phương án an toàn hoặc đã có phương án nhưng không tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch đối với các hoạt động trong nhà, ngoài trời theo quy định khi vận hành, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ổ dịch thì kiên quyết cho dừng hoạt động để đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp giảm số người tham gia các hoạt động và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để làm việc trực tuyến./.
Hà Tuấn