Vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì tăng trưởng kinh tế

Thứ tư, 07/10/2020 15:24
(ThanhtraVietNam) - Trong nửa đầu năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (COVID-19) đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng buộc phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra là 6,8% cho năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, khi thế giới ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19 và sớm mở lại nền kinh tế.

Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm

Theo Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á năm 2020 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 15/9/2020, ​​dự báo kinh tế của nhiều nước sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Đối với nền kinh tế Việt Nam, báo cáo dự kiến tăng trưởng sẽ ở mức 1,8%.

Trước tình hình khó khăn chung toàn cầu, vẫn thấy một số tín hiệu phục hồi hoạt động kinh tế đáng mừng như: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, Việt Nam khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên, trong đó có đường bay đi Nhật Bản từ tháng 9/2020.

Về vốn vay ODA Nhật Bản, Hiệp định vốn vay ODA tài trợ cho “Dự án Nâng cao Năng lực An ninh Biển” đã được ký kết vào tháng 7/2020. Đây là Hiệp định vốn vay ODA đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với Việt Nam trong vòng 3 năm qua. Nhân dịp này, JICA mong muốn tiếp tục chung tay hỗ trợ phát triển hơn nữa các hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua ODA.

Trên cơ sở đó, trong buổi họp báo thường niên giữa kỳ Tài khóa 2020 của JICA Việt Nam ngày 6/10 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira đã giới thiệu tập trung vào các dự án nổi bật của JICA trong lĩnh vực Y Tế và Đầu tư công, phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong lựa chọn mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì tăng trưởng kinh tế”.

JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế trong nhiều năm. Cho đến nay, trong lĩnh vực Y tế, JICA đã phái cử hơn 2000 chuyên gia, 140 tình nguyện viên tới làm việc tại Việt Nam và đào tạo khoảng 5.300 học viên Việt Nam. Tổng số tiền tài trợ của JICA cho các dự án vốn vay và dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực Y tế cho đến nay lên đến 77,4 tỷ Yên (khoảng gần 17.000 tỷ đồng). Trong đó, JICA tiếp tục ưu tiên các dự án trọng điểm như "Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy” và "Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm".

Kinh nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai trong kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS bùng phát năm 2003, 15 năm hỗ trợ nghiên cứu và tăng cường hệ thống xét nghiệm cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh… đã góp phần vào thành công cho công tác ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút corona mới tại Việt Nam.

Ngoài ra, JICA còn triển khai các dự án Y tế trên cơ sở Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe toàn dân (UHC) để mọi người dân đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý, trong đó có thể kể đến các hợp tác như: Hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) tự sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella; triển khai Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc; cải thiện các dịch vụ y tế cơ bản thông qua Dự án cải thiện hệ thống BHYT.

Trên cùng một lĩnh vực, cùng một loại hình, hợp tác trong lĩnh vực Y tế của JICA tại Việt Nam hơn hẳn cả về chất lượng và số lượng so với các nước khác.

Cùng với công cuộc đẩy lùi sự lây lan của dịch COVID-19, việc chăm sóc y tế, ngăn chặn lây lan các bệnh truyền nhiễm cũng được chú trọng hơn. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, JICA sẽ thúc đẩy tăng cường các hợp tác trong lĩnh vực Y tế. JICA sẽ tiếp tục hợp tác theo hướng tăng cường sâu rộng hơn nữa trên cơ sở tận dụng những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi họp báo thường niên giữa kỳ Tài khóa 2020 của JICA Việt Nam ngày 6/10 tại Hà Nội. Ảnh: P.V

Không để ngưng trệ thi công các công trình công cộng

Song hành với chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam không để ngưng trệ thi công các công trình công cộng ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, JICA vẫn tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc nguồn vốn ODA, duy trì việc làm cho các kỹ sư Việt Nam thuộc dự án, góp phần phục hồi nền kinh tế. Chẳng hạn, có khoảng 2.000 lao động tham gia công trình đang triển khai thuộc Dự án “Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên)”.

Quy mô dự án càng lớn càng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Trong những năm gần đây, các dự án vốn vay mới được ký kết và tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong năm tài chính có xu hướng giảm, tuy nhiên, việc sớm thực hiện Đầu tư công có thể là chất xúc tác góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Việt Nam hiện là quốc gia đang còn thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản trong nhiều lĩnh vực để tạo đà phát triển hơn nữa trong tương lai. COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu một mặt đang đem đến cho Việt Nam cơ hội mới, và mặt khác cũng tạo cơ hội cho các nước khác tái cấu trúc hệ thống, tăng tốc đầu tư hạ tầng, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong nửa đầu năm dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA vẫn triển khai đúng tiến độ. Dự án “Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 thành phố Hà Nội” sẽ được thông xe vào tháng 10/2020. Các toa tàu đầu tiên thuộc Dự án “Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên)” dự kiến cũng về tới Việt Nam trong tháng này. Gói thầu lớn nhất thuộc Dự án “Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội” – thi công khu xử lý nước thải cũng đã chính thức được khởi công.

JICA đã và đang thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo, thông qua phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn.

Lan Anh

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra