Thừa Thiên Huế:

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 19/10/2022 16:48
(ThanhtraVietNam) - Đối với các tiêu chí của tỉnh Thừa Thiên Huế trong kết quả chấm điểm, đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) có điểm thấp trong 2 năm vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện kết quả.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, căn cứ kết quả chấm điểm, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và kết quả tự chấm điểm, đánh giá năm 2021, các chỉ tiêu có điểm thấp của tỉnh năm 2021 là: thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 của Luật Phòng, chống tham nhũng; phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra; giải quyết tố cáo; kết quả xét xử vụ án liên quan đến tham nhũng; thu hồi tiền, tài sản tham nhũng bằng biện pháp tư pháp.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh. Cải thiện điểm số đánh giá công tác PCTN của tỉnh tại Kế hoạch 359/KH-UBND ngày 03/10/2022 về thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đưa ra các nội dung thực hiện chi tiết đối với các chỉ tiêu có điểm thấp nói trên. Cụ thể:

Kết quả chấm điểm, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được Thanh tra Chính phủ chấm 54,44/100 điểm (tăng 3,85 điểm so với năm 2019). Năm 2021, kết quả tự chấm được 67/100 điểm. Qua rà soát, kiểm tra và chấm điểm bước đầu của Thanh tra Chính phủ đã thống nhất 60/100 điểm (tăng 5,56 điểm so với năm 2020).

Thứ nhất, về thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai, minh bạch trong hoạt động về các nội dung công việc liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động.

Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định nêu trên mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch; thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết hồ sơ, yêu cầu công việc của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc công khai, minh bạch trong hoạt động về các nội dung nêu trên được thực hiện bắt buộc bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương và được biên tập, sắp xếp thành hệ thống chỉ tiêu, nhóm công việc, giúp thuận tiện cho công tác tra cứu, kiểm tra, giám sát của người dân và cơ quan chức năng.

leftcenterrightdel
Thừa Thiên Huế  đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện kết quả đánh giá về PCTN 

Thanh tra tỉnh hướng dẫn về nội dung; Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Trang/cổng Thông tin điện tử về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cập nhật thường xuyên nội dung về hoạt động lên chuyên trang, chuyên mục của đơn vị mình.

Thứ hai, về phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát và giải quyết đơn phản ánh, tố cáo tham nhũng; tiếp nhận thông tin về tham nhũng, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, các hành vi tham nhũng nói riêng. Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản ánh có nội dung tố cáo liên quan đến tham nhũng ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình giải quyết làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền đế thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiếm tra, giám sát, giải quyết tố cáo,... mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Đồng thời đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh; các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao khả năng phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định khi tiếp nhận thông tin về tham nhũng và phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động giám sát.

Thứ ba, về thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã nêu trong Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 08/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể: Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, các cơ quan hành chính Nhà nước cần sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng gây ra. Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan Công an, Viện Kiếm sát nhân dân, Toà án nhân dân và Thi hành án dân sự cần tích cực áp dụng biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng trong từng khâu của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vận động đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền, tài sản; sử dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, cưỡng chế thi hành án,... để đảm bảo thu hồi triệt đế tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng./.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra