Cụ thể, về mục đích yêu cầu, Thanh tra tỉnh yêu cầu triển khai toàn diện, đầy đủ và có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật của Trung ương, tỉnh về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; được thực hiện thống nhất, kịp thời ngay khi có văn bản, chỉ đạo mới của Trung ương, tỉnh. Thực hiện đồng bộ, gắn liền với công tác kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Về nội dung thực hiện, Thanh tra tỉnh yêu cầu, tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Thanh tra Chính phủ chủ trì xin ý kiến.
Đồng thời, tham gia, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc góp ý được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian; nội dung góp ý đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện tại địa phương cũng như cả nước.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng lưu ý, khi cơ quan Trung ương ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư…) thì Thanh tra tỉnh chủ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 để tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Thanh tra tỉnh yêu cầu Trưởng các phòng thuộc Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo nội dung, tiến độ./.