Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn trong lực lượng Công an nhân dân

Thứ sáu, 29/12/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, cùng với việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân.

Tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong sáu biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định tại Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong đó quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát TSTN; quy định việc kê khai, công khai, tiếp nhận, bàn giao bản kê khai và theo dõi biến động tài sản, thu nhập; quy định xác minh TSTN và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản thu nhập.

leftcenterrightdel
 Đại tá, TS Trần Văn Thư, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: K. Dung

Phân cấp, quy định rõ các Cơ quan kiểm soát TSTN, thẩm quyền, đối tượng kiểm soát TSTN trong lực lượng Công an nhân dân

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác kiểm soát TSTN, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Bộ Công an đã ban hành 02 Hướng dẫn (số 4362/BCA-X05 ngày 16/12/2020 và số 1226/BCA-X05 ngày 14/4/2022) thực hiện việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân. Theo đó, Bộ Công an đã phân cấp, quy định rõ các Cơ quan kiểm soát TSTN; thẩm quyền, đối tượng kiểm soát TSTN trong lực lượng Công an nhân dân.

Cụ thể: Thanh tra Bộ Công an là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập Bộ Công an kiểm soát TSTN đối với Trưởng phòng và tương đương thuộc diện phải kê khai TSTN hằng năm tại các đơn vị trực thuộc Bộ. Thanh tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát tài sản thu nhập đối với Trưởng phòng và tương đương trở xuống thuộc diện phải kê khai TSTN hằng năm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ những đồng chí thuộc quyền kiểm soát của Ủy ban Kiểm tra các cấp và Thanh tra Chính phủ). Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam; bộ phận tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Bộ là Cơ quan kiểm soát TSTN các đơn vị trực thuộc Bộ kiểm soát TSTN đối với Phó Trưởng phòng và tương đương trở xuống thuộc diện phải kê khai TSTN hằng năm của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Căn cứ định hướng xác minh TSTN năm 2022 của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các Cơ quan kiểm soát TSTN trong lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên và tiến hành việc xác minh TSTN đối với cán bộ có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm; hoàn thành kết luận xác minh và công khai kết luận xác minh theo quy định. Kết quả là: Năm 2022, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xác minh TSTN theo thẩm quyền đối với 598 cán bộ, đạt tỷ lệ 2.47 %; trong đó Cơ quan kiểm soát TSTN Bộ Công an đã tổ chức bốc thăm, công bố quyết định, kế hoạch và tiến hành xác minh TSTN đối với 22 đồng chí Trưởng phòng và tương đương tại 14 đơn vị trực thuộc Bộ (đạt tỷ lệ 11% trên tổng số đơn vị trực thuộc Bộ và đảm bảo tối thiểu 10% số Trưởng phòng và tương đương có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại 14 đơn vị); đã hoàn thành kết luận xác minh và gửi 14 đơn vị trực thuộc Bộ để công khai theo quy định. Năm 2023, các Cơ quan kiểm soát TSTN của Công an đơn vị, địa phương hiện đang tiến hành xác minh theo định hướng, kế hoạch.

Qua việc xác minh TSTN năm 2022 và năm 2023 trong nội bộ lực lượng Công an nhân dân cho thấy các đơn vị đã cơ bản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130 của Chính phủ và các Hướng dẫn của Bộ Công an về thực hiện việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là về trình tự, thủ tục; TSTN phải kê khai. Sau khi được Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong toàn lực lượng Công an nhân dân, Công an đơn vị, địa phương đã rà soát, kiểm tra lại việc tổ chức thực hiện kê khai TSTN lần đầu, hằng năm; công khai bản kê khai (cả trong Đảng và trong chính quyền); đối với cấp ủy, đơn vị, cán bộ không kịp thời khắc phục ngay tồn tại, hạn chế thì xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, để việc xác minh TSTN trong lực lượng Công an nhân dân được thống nhất, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh TSTN của các Cơ quan kiểm soát TSTN trong lực lượng Công an nhân dân, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu và đã ban hành Quy trình xác minh TSTN đối với người có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm trong Công an nhân dân. Đáng chú ý, Bộ Công an là đơn vị đầu tiên ban hành Quy trình xác minh TSTN để hướng dẫn thực hiện và đây cũng là văn bản hiện được nhiều Bộ, ngành tham khảo thực hiện.

Một số khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn xác minh TSTN

Thứ nhất, việc xác minh tài sản của cá nhân gửi tại các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không có dữ liệu chung về tài sản của cá nhân gửi tại các ngân hàng; đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể làm căn cứ cho các ngân hàng để trả lời khi được các Cơ quan kiểm soát TSTN yêu cầu. Vì vậy, nếu Cơ quan kiểm soát TSTN muốn có thông tin về tài sản để phục vụ việc xác minh, kết luận đối với cá nhân được xác minh tại các ngân hàng thì phải có văn bản yêu cầu từng ngân hàng cụ thể; có ngân hàng cung cấp, có ngân hàng không cung cấp lý do bảo vệ bí mật thông tin khách hàng (do đó hiệu quả của biện pháp này không cao và còn bị hạn chế bởi thời hạn xác minh).

Thứ hai, đối với việc xác minh tài sản là nhà, đất cũng có khó khăn nhất định do cá nhân có quyền mua nhà, đất ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại. Nhưng hiện nay chưa có cơ quan có thẩm quyền quản lý dữ liệu chung về quyền sử dụng đất, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Văn phòng đăng ký đất đai và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Do đó, khi Cơ quan kiểm soát TSTN có thẩm quyền muốn có thông tin về nhà, đất của cá nhân để phục vụ việc xác minh thì phải có văn bản yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện cung cấp, việc này tính khả thi cũng không cao vì đầu mối rất nhiều và các cá nhân thuộc diện xác minh có thể mua nhà, đất ở bất cứ đâu mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào. Hiện nay, Bộ Công an và Bộ Tài nguyên, môi trường đã tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhưng sớm nhất năm 2024 dữ liệu mới có thể khai thác được bước đầu. Mặt khác, cá nhân có thể thông qua các mối quan hệ trong gia đình (bên nội, bên ngoại) để nhờ đứng tên hộ trong các hợp đồng mua bán nhà, đất nên hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xác minh tài sản về nhà, đất đối với các cá nhân được xác minh.

Thứ ba, đối với việc xác minh tài sản là các phương tiện có giá trị từ 50 triệu trở lên thì theo quy định, cá nhân có quyền mua, sở hữu nhiều loại phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, cá nhân được xác minh có thể nhờ người thân đứng tên đăng ký phương tiện hoặc mua phương tiện nhưng cố tình không thực hiện sang tên, đổi chủ. Do đó việc tra cứu thông tin cá nhân được xác minh đứng tên phương tiện cũng có nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không có cơ sở để kết luận.

Thứ tư, đối với việc xác minh tài sản cất, giữ tại nhà: Theo quy định, cá nhân có quyền cất, giữ tài sản tại nhà và được pháp luật bảo vệ (Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định “không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”). Do đó, nếu cá nhân được xác minh cố tình cất, giữ, không kê khai tiền, vàng, ngoại tệ và các loại tài sản có giá trị khác tại chỗ ở hoặc nơi làm việc, không hợp tác để đối chiếu tài sản đã kê khai thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Cơ quan kiểm soát TSTN không có căn cứ để kiểm tra, đối chiếu thực tế.

Thứ năm, về nội dung tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại điểm 5, phần II, Phụ lục I Mẫu bản kê khai TSTN ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là đối với tài khoản thanh toán (tiền gửi thanh toán). Do đó, người có nghĩa vụ kê khai TSTN thường không kê khai số dư từ 50 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán tại thời điểm kê khai.

Thứ sáu, tại khoản 5 Điều 3 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN (ban hành kèm theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị) quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này. Tuy nhiên, diện đối tượng này có một số trùng với diện đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm soát của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy và Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 3; dẫn đến thời gian qua một số UBKT các cấp hiểu nhầm về diện đối tượng kiểm soát, cho rằng cán bộ Công an thuộc quyền kiểm soát của Bộ Công an và có văn bản đề nghị Bộ Công an kiểm soát đối với đối tượng không thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.

Có thể nói, những khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác minh, kết luận tính trung thực trong việc kê khai TSTN đối với cá nhân được xác minh của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong khi hiện nay việc kê khai, công khai vẫn dựa vào tính tự giác, trung thực của cá nhân được xác minh. Do đó, hiệu quả xác minh, kết luận tính trung thực trong việc kê khai TSTN còn hạn chế.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát TSTN và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung và trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các Cơ quan kiểm soát TSTN như đã nêu trên, Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp để thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, kiến nghị Thanh tra Chính phủ:

Tham mưu ban hành quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ kiểm soát TSTN; hướng dẫn cụ thể trách nhiệm và quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước… trong việc phối hợp cung cấp thông tin liên quan để phục vụ xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn thuộc diện, đối tượng kê khai TSTN hằng năm; quy định về cơ chế, kinh phí giám định, định giá tài sản trong trường hợp phục vụ xác minh tài sản, thu nhập.

Nghiên cứu, tham mưu xây dựng ban hành Quy trình xác minh TSTN để các Cơ quan kiểm soát TSTN áp dụng thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Hướng dẫn cụ thể về nội dung tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại tại điểm 5, phần II, Phụ lục I Mẫu bản kê khai TSTN ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đối với tài khoản thanh toán (tiền gửi thanh toán).

Hai là, kiến nghị Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ (đơn vị chủ trì tham mưu ban hành, triển khai Quyết định số 56-QĐ/TW) tham mưu, đề xuất bổ sung khoản 5 Điều 3 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TS, TN (ban hành kèm theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị cụm từ “khoản 6, khoản 7 và khoản 8” và chỉnh lý như sau: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.

Ba là, kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát TSTN nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Thanh Liêm
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra