Công tác phòng, chống tham nhũng tác động mạnh mẽ đến chỉ số chi phí không chính thức

Thứ tư, 24/05/2023 12:48
(ThanhtraVietNam) - Khảo sát PCI 2022 cho thấy khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016. Qua đó cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và nhà nước đã cải thiện được môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.

Chỉ số chi phí không chính thức cải thiện đáng kể

Thanh tra, kiểm tra là một trong những hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích đánh giá việc chấp hành pháp luật và xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá nhiều lần trong một năm hoặc hiện tượng một số cán bộ nhà nước lợi dụng hoạt động thanh tra để nhũng nhiễu, trục lợi cá nhân sẽ làm tăng chi phí tuân thủ không mong muốn cho các doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg31 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ thị 20 đặt ra các nguyên tắc về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp như tiến hành thanh tra, kiểm tra mỗidoanh nghiệp không quá 1 lần/năm, và các cơ quan phải phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kế thừa kết quả của nhau, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Những năm gần đây, việc áp dụng quản lý rủi ro trong việc lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế và hải quan. Giải pháp này hướng đến mục tiêu thanh tra có chọn lọc, đúng đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, từ đó giúp giảm số lượng và tần suất thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Những thay đổi kể trên có thể đã góp phần vào những chuyển biến trong nhìn nhận của doanh nghiệp về hoạt động thanh tra, kiểm tra những năm qua.

leftcenterrightdel
 Ảnh: Báo cáo PCI 2022

Theo khảo sát PCI 2022, tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm 2022 đã giảm còn 7,39%. Đây là sự thay đổi lớn nếu xem xét diễn tiến chỉ tiêu này trong các năm từ năm 2017 đến năm 2022. Năm 2017, tỷ lệ này lên đến gần 22%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017. Ở một khía cạnh khác, thời điểm năm 2017, khoảng 19% doanh nghiệp cho rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp thì đến năm 2022 tỷ lệ này giảm còn gần 10%.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những trọng tâm của Đảng và chính quyền các cấp trong nhiều năm gần đây. Có thể thấy rằng, giai đoạn 2016-2022 chứng kiến tình trạng trả chi phí không chính thức giảm đáng kể. Năm 2016, kết quả khảo sát PCI cho thấy khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức; đến năm 2022, con số này ở mức 42,6%, giảm hơn 23 điểm phần trăm. Quy mô của khoản chi chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể trong cùng kỳ. Nếu trong năm 2016, 9,1% doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, thì năm 2022 giá trị này chỉ còn khoảng 3,8% doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng “chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” đạt gần 89%, mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.  

leftcenterrightdel
Ảnh: Báo cáo PCI 2022 

Mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể tiếp tục xu hướng giảm đã ghi nhận trong PCI 2021. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể từ con số 20,9% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “việc ‘chi trả hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” giảm nhẹ từ mức 36,8% năm 2021 còn 36.3% trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án cũng giảm hơn 5,3 điểm phần trăm từ mức 21,4% năm 2021 xuống 16,1% vào năm 2022.  

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021). Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

 Ngăn chặn “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp

Năm 2023 là một năm có rất nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trên thế giới tiếp tục xảy ra các xung đột quân sự nghiêm trọng, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại, nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu, những vấn đề an ninh năng lượng, lương thực. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục là những thách thức khó lường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

leftcenterrightdel
Cải thiện chỉ số chi phí không chính thức để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ 

Trong bối cảnh này, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chính là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, từ đó có thể góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó, cải thiện hơn nữa chỉ số chi phí không chính thức như các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý nhũng nhiều, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý. Đồng thời, người đứng đầu phải tiên phong, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh năng động, có cơ chế trong thu hút đầu tư.

Hai là, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức,

Ba là, các cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra. Khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra phải căn cứ vào Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như Chỉ thị số 10/CT-TTG ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc… đến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; giúp doanh nghiệp nắm được các quy định của các văn bản pháp luật, quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp để ngoài việc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, doanh nghiệp còn tự bảo vệ mình trước các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu./.


Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra