Ninh Bình:

Công tác phòng, chống tham nhũng tác động sâu, rộng đến ý thức việc chấp hành pháp luật trong thực thi công vụ

Thứ tư, 27/07/2022 11:01
(ThanhtraVietNam) - Năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tham nhũng; có tác động sâu, rộng đến ý thức việc chấp hành pháp luật trong thực thi công vụ.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có sự chủ động, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường; đã phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, được nhân dân đồng tình, có tác dụng răn đe và giáo dục góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch tập trung quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, lãng phí; thực hiện công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai quy trình, thủ tục hành chính, triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công một cửa điện tử của tỉnh.

leftcenterrightdel
 Hội nghị UBND tỉnh Ninh Bình phiên thường kỳ. Ảnh: Noichinh.vn

Các đơn vị dự toán thuộc UBND tỉnh đã xây dựng, công khai quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản làm cơ sở trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định. Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị quy định cụ thể về chế độ, định mức chi đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị để sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan Tài chính, Kho bạc trong thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Trong năm 2021, có 13/24 đơn vị dự toán khối tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn để phù hợp với quy định của Nhà nước, của địa phương; đã tiến hành xét duyệt và thẩm định quyết toán năm 2020 của 23/23 đơn vị dự toán khối tỉnh, 08/08 đơn vị huyện, thành phố.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm tập trung ngành, lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực. Năm 2021, Thanh tra tỉnh và thanh tra các huyện, thành phố, các sở, ngành triển khai 125 cuộc thanh tra hành chính tại 141 đơn vị đã ban hành kết luận 110 thanh tra tại 123 đơn vị; qua thanh tra phát hiện vi phạm trên 27 tỷ đồng và gần 40.000 m2 đất. Ngoài ra, toàn tỉnh đã tiến hành 724 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đã phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 830 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 52 tỷ; đã thu hồi trên 48 tỷ, đạt 93%.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân cũng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, xem xét kết luận, quyết định giải quyết các vụ việc KNTC cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền. UBND tỉnh tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân tại hội nghị giao ban lãnh đạo UBND tỉnh và hội nghị phiên thường kỳ hàng tháng của UBND tỉnh; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương trong việc xử lý, giải quyết các trường hợp công dân khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương và một số vụ việc công dân cố tình khiếu kiện kéo dài, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng được các cơ quan tố tụng phối hợp chặt chẽ, chú trọng việc phát hiện và thực hiện các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, cụ thể: các vụ án tham nhũng năm 2021 tiền, tài sản tham nhũng quy đổi thành tiền kiến nghị thu hồi là trên 1,6 tỷ đồng; số tiền đã thu hồi qua biện pháp hành chính hơn 1,5 tỷ đồng đạt tỷ lệ 94,8%. Số tiền, tài sản thu hồi qua biện pháp tư pháp cụ thể: tài sản tham nhũng thụ lý mới là trên 19,3 tỷ; đã thu hồi bởi cơ quan thi hành án là gần 8 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được công tác PCTN vẫn còn tồn tại hạn chế như: chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa cao; công tác dự báo nắm tình hình, phát hiện tội phạm tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, các vụ việc sai phạm chủ yếu qua tin báo, phản ánh và công tác điều tra; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác tự kiểm tra nội bộ tự phát hiện tham nhũng, thực hiện rà soát xung đột lợi ích của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, công tác cán bộ... vẫn còn xảy ra thiếu sót, tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Để phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong công tác PCTN, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh cho các cơ quan có chức năng PCTN; có chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý tội phạm tham nhũng yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra