Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả

Thứ năm, 19/10/2023 16:05
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Việc thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trong 4 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thanh tra.  

Theo đó, về công tác PCTN trong lĩnh vực thanh tra, Quốc hội yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định về PCTN, tiêu cực, nhất là Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị. Khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN, tiêu cực đối với Bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản; tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực...

Thực hiện Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt kết quả nhất định.

Phát hiện nhiều đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ đã xây dựng nhiều Kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác PCTN... Trong đó, giúp Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, 2023 và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN. Kết quả, trong năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức 213.954 lớp cho 13.669.414 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 4.089.666 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN; ban hành mới 39.114 văn bản để thực hiện Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 1.231 văn bản, bãi bỏ là 647 văn bản không phù hợp.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh - TTXVN)

Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 34.389 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 780 đơn vị vi phạm.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 122.319 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Trong năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, có 1.306.075 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; 25.858 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 05 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 12.219 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có 109 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người.

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 216 vụ việc, 308 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác

Thanh tra Chính phủ đã triển khai thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo Định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện dự thảo Kế hoạch Xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; báo cáo kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập của những đối tượng thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ được quy định tại Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Mặt khác, hoàn thành đánh giá công tác PCTN năm 2021 của các địa phương; ban hành Bộ chỉ số và hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2022; xây dựng bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN, tiêu cực đối với bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác PCTN, tiêu cực trên phạm vi cả nước.

Ban hành kế hoạch của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và của Tổng Thanh tra Chính phủ - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2023-2027 của Thanh tra Chính phủ nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Xây dựng báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư; hoàn thành Báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC; hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch, Nghị quyết thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Đối với việc nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, tiêu cực và Cơ sở dữ liệu về thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 600/KH-TTCP ngày 21/02/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, tiêu cực và Cơ sở dữ liệu về thanh tra là những dự án lớn liên quan đến nguồn lực cũng như nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần phải có thời gian và theo trình tự, thủ tục về dự án vốn đầu tư công. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, để triển khai thực hiện.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Luật PCTN 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác PCTN. Triển khai thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo Định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường quản lý nhà nước về PCTN, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; tiếp tục nghiên cứu việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra. 

Đồng thời, tăng cường theo dõi, đánh giá công tác PCTN trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác PCTN đối với các bộ, ngành, địa phương. Mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Thanh tra Chính phủ sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện các chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra