Hòa Bình: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 11/01/2024 10:14
(ThanhtraVietNam) - Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo mới chuyển hồ sơ vụ việc là chỉ đạo của UBND tỉnh Hoà Bình về việc rà soát tiêu chí đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại văn bản số 2332/UBND-NVK ngày 26/12/2023 về việc rà soát tiêu chí đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách; gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kỷ cương, liêm chính, chí công, vô tư đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN. Tiếp tục quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN: Các địa phương, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể... trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, người có uy tín trong cộng đồng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức.

leftcenterrightdel
Thành phố Hòa Bình (ảnh: Đoàn Cần) 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây lãng phí tài sản Nhà nước. Kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

Tiến hành thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, việc thực hiện công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức...).

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo... mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Mặt khác, phối hợp kịp thời, có hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; xác định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền và tài sản tham nhũng.

Theo dõi thông tin dư luận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thanh tra để tiến hành thanh tra lại theo quy định, ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành: Các sở, ban, ngành hạn chế tối đa công tác kiểm tra đối với doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép các cuộc kiểm tra của các đơn vị thành các cuộc kiểm tra liên ngành. Việc kiểm tra phải ban hành kế hoạch kiểm tra; thiết lập biên bản cụ thể đối với các đối tượng được kiểm tra.

Đoàn Cần
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra