Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong công cuộc đấu tranh PCTN

Thứ năm, 27/04/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Những tháng đầu năm 2023, tại Quảng Nam, việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm, tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Mặc dù vậy, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tinh vi và phức tạp.

Khởi tố, thụ lý điều tra 14 vụ/28 bị can có hành vi tham nhũng

Ngay từ Quý I/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, thụ lý điều tra 14 vụ/28 bị can có hành vi tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 05 vụ/08 bị can.

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam thụ lý sơ thẩm 04 vụ/05 bị cáo. Trong đó, phải kể đến các vụ án như: Vụ án hình sự Nguyễn Văn Phương - Nhân viên giao hàng của công ty TNHH một thành viên Thuận Phong - Chi nhánh Đà Nẵng, phạm tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 BLHS năm 2015 (hiện nay đã có kết quả giải quyết án sơ thẩm xử phạt bị cáo Phương 04 năm tù). Vụ án hình sự Trần Mười - Cán bộ địa chính phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn phạm tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 BLHS năm 2015 (hiện nay, vụ án đang được TAND thị xã Điện Bàn thụ lý và giải quyết). Vụ hình sự Đinh Văn Quận - Hiệu trưởng trường Trung cấp xây dựng Thanh Hóa, Hoàng Long - giáo viên dạy lái xe ô tô; bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác” (vụ án đang được TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý và giải quyết). Vụ án hình sự Nguyễn Thị Bích Trâm - Nhân viên kế toán Công ty TNHH Thiên Trường (khối 02, thị trấn Núi Thành, Quảng Nam) bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo điều 353 BLHS năm 2015, vụ án hiện đang được TAND huyện Núi Thành thụ lý và giải quyết.

leftcenterrightdel
Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Báo Quảng Nam 

Tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong công cuộc đấu tranh PCTN

Bằng việc triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng gắn với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã được nâng lên. Các vụ án tham nhũng đưa ra xét xử đã thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và dư luận xã hội. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng cao; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các đơn vị, địa phương được phát huy, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua, bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn từ tài sản nhà nước; cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp...

Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng tinh thần Công văn số 529-CV/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “... trong quá trình kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử, thi hành án nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử, thi hành án...”.

Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để tập trung giải quyết một số vụ việc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời xử lý đối với các vụ án tham nhũng và các vụ án khác mà dư luận quan tâm. Giải quyết, xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi triệt để các khoản tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo chương trình, kế hoạch công tác đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra