Cụ thể, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN đến Hội viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức phong trào nói không với tham nhũng, tích cực đấu tranh với tham nhũng, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác PCTN; tăng cường tham gia giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; góp ý, phản biện sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách định mức, tiêu chuẩn nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng, lãng phí, củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó các cơ quan, đơn vị của tỉnh chủ động phối hợp để cung cấp thông tin liên quan đến công tác PCTN; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTN và kết quả các hoạt động PCTN, lãng phí của các sở, ban, ngành, địa phương; phản ánh khách quan, kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; nêu gương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
|
|
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng |
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường và đổi mới phương thức giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các vụ việc mà dư luận và Nhân dân quan tâm, bức xúc như: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát công tác cải cách hành chính, nhất là việc giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tham gia giám sát hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giám sát việc công khai các kết luận thanh tra...
Đặc biệt, phát huy hiệu quả Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí và thiết lập, duy trì đường dây điện thoại nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để Nhân dân tố giác các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong hệ thống Mặt trận; phối hợp với Hội Nhà báo, Đài Truyền hình tổ chức tuyên truyền, phản ánh những hành vi, hiện tượng tiêu cực, góp phần cung cấp thông tin xử lý các vụ việc, tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Có thể nói, thời gian qua mặc dù công tác PCTN đã được Đảng, Nhà nước quan tâm; tình trạng tham nhũng từng bước được đẩy lùi, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện, truy tố xét xử nghiêm minh tạo niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân. Tuy vậy, tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh có thể diễn biến phức tạp, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thể diễn ra ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Những lĩnh vực có khả năng xảy ra tham nhũng như: lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tài sản công, chứng khoán, các dự án đầu tư công có nguồn vốn từ ngân sách, vốn kinh doanh của đơn vị nhà nước, dịch vụ công, đấu giá quyền sử dụng đất; công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra, cần phải tập trung các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh hướng đến tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Trong đó, chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; thường xuyên quán triệt về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN cùng với việc chủ động tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng./.