Đưa ra xét xử 01 vụ, 03 bị can phạm tội về tham nhũng
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; thực hiện công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính, thực hiện tốt Cổng dịch vụ công của tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ngày 14/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND về công tác PCTN năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh triển khai tổ chức thực hiện.
Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 655-QĐ/TU ngày 30/6/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 688-QĐ/TU ngày 18/8/2022 về kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình, Ban Chỉ đạo gồm 14 đồng chí, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban thường trực.
|
|
Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình. Ảnh: noichinh.vn |
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của Luật PCTN, tập trung công khai trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: đầu tư công, quản lý tài chính - ngân sách, mua sắm công, đấu thầu dự án, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ, y tế, giáo dục, thuế, phí, quản lý giá và các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới, công khai liên quan đến lĩnh vực ngành. Công bố công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, trang thông tin điện tử của các đơn vị của tỉnh để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tăng cường phân cấp cho các cấp, các ngành; rà soát, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn đảm bảo theo quy định, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước các cấp.
Trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến lĩnh vực tài chính; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành mới 07 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 02 Nghị quyết. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức tập trung các lĩnh vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về PCTN. Kết quả, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 120 cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải chuyển đổi.
Thực hiện việc kê khai, công khai TSTN năm 2021 theo quy định. Kết quả: đã có 40/40 số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc kê khai, đạt tỷ lệ 100%; có 2.985/2.985 người đã kê khai TSTN năm 2021, đạt tỷ lệ 100%; 100% bản kê khai đã được công khai bằng hình thức niêm yết và công bố tại cuộc họp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; đề nghị kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức...
Qua công tác PCTN 9 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra, khởi tố 05 vụ, 16 bị can (kỳ trước chuyển sang 03 vụ) phạm tội về tham nhũng với các tội danh “Tham ô tài sản”, “Giả mạo trong công tác” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đã đưa ra xét xử 01 vụ, 03 bị can.
Tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng
Nhìn chung, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình luôn xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành; UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện, chỉ đạo các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện; nhận diện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong từng ngành, cơ quan, đơn vị, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình để ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công khai không đầy đủ theo quy định, còn vi phạm trong thực hiện định mức, tiêu chuẩn; công tác kiểm tra nội bộ còn hạn chế, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng của tình hình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực có lúc, có việc chưa tập trung quyết liệt; một số cán bộ, đảng viên, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng của tệ tham nhũng, tiêu cực.
Đề ra phướng hướng, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa, thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, rà soát các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, đấu thầu đất, công tác cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về công tác PCTN, tiêu cực, giải quyết tố cáo, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có cơ hội dễ phát sinh, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Động viên, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.
Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, bao che, xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, các vụ việc vi phạm đạo đức công vụ. Công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định./.