Tỷ lệ thu hồi cao so với 2 năm trước
Theo báo cáo của Cục THADS TP. HCM, trong năm 2022, cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong hơn 14.000 tỉ đồng/hơn 39.700 tỉ đồng số có điều kiện thi hành án, về án tham nhũng, kinh tế (đạt tỷ lệ 35,40%). Trong khi đó, tổng số tiền phải thi hành án là hơn 68.600 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Cục THADS TP.HCM, số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Cục chiếm 76,73% số phải thu hồi của cả nước (cả nước: hơn 89.609 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, theo số liệu, kết quả thu hồi tiền, toàn ngành thi hành án thi hành được hơn 15.952 tỉ đồng, trong đó Cục THADS TP.HCM đã thi hành được hơn 14.000 tỉ đồng - chiếm 88,20% tổng số thi hành của cả nước.
|
|
Sại phạm của ông Trần Bê tại ngân hàng gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng |
Lãnh đạo Cục THADS TP.HCM khẳng định trong năm 2022, cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong nhiều vụ việc và kết quả thu hồi cao hơn năm 2021 và 2020.
Về kết quả 5 năm thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế (từ 1.10.2017 – 30.9.2022), theo số liệu cơ quan thi hành án tại TP.HCM đã thi hành án xong gần 47.000 tỉ đồng/hơn 106.800 tỉ đồng – số thụ lý (trong đó số có điều kiện thi hành án là hơn 72.500 tỉ đồng); kết quả thi hành án đối với án tham nhũng, chức vụ, trong 5 năm đã thi hành hơn 11.300 tỉ đồng/22.600 tỉ đồng – số có điều kiện thi hành (trong đó số tiền phải thi hành là hơn 27.000 tỉ đồng).
Thu hồi có tích cực nhưng không đạt như mong muốn
Theo Quyền cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa, kết quả thu hồi tài sản thất thoát trong án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong năm 2022 là tích cực nhưng không đạt như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, đa phần đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã tẩu tán tài sản hoặc tài sản chiếm đoạt đã bị các đối tượng sử dụng thực hiện những giao dịch đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau nên khả năng thu hồi được tài sản đạt tỷ lệ chưa cao so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt.
Điển hình, trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nghĩa vụ thi hành án của bị án Nguyễn Thị Lành là hơn 9.000 tỉ đồng, nhưng tài sản đảm bảo của bị án này chỉ khoảng 10 tỉ đồng, còn lại là không có tài sản đảm bảo, không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án; hoặc nghĩa vụ phải thi hành của Nguyễn Thiên Lý là gần 1.300 tỉ đồng, Cơ quan thi hành án xử lý tài sản đảm bảo thi hành án của bà Lý chỉ thu hồi được 233 tỉ đồng. Còn lại số tiền hơn 1.062 tỉ đồng, bà Lý không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án.
Ngoài ra, còn một số khó khăn như: tài sản đảm bảo không đủ, bên phải thi hành án, đương sự liên quan không hợp tác, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án (như vụ Giang Kim Đạt, Dương Thanh Cường, Trần Phương Bình…); tài sản đảm bảo thi hành án là dự án quy hoạch bệnh viện nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý của một dự án theo quy định pháp luật nên chưa đủ điều kiện để phát mãi tài sản là dự án xây dựng bệnh viện (vụ Hứa Thị Phấn)…
Cũng trong năm 2022, Cục THADS TP.HCM tiếp nhận nhiều vụ án lớn có số tiền phải thi hành án trong án tham nhũng, kinh tế, như: vụ Trần Phương Bình giai đoạn 2 - số tiền phải thi hành án hơn 7.700 tỉ đồng, vụ Đinh Ngọc Hệ hơn 700 tỉ đồng, Trầm Bê hơn 500 tỉ đồng.
Theo Cục THADS TP.HCM, số lượng tài sản đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho các vụ tham nhũng, kinh tế trên đa phần là các cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, phải cần nhiều thời gian để xác minh, xử lý. Trong khi đó, luật Thi hành án dân sự hiện nay chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục để xử lý đối với loại tài sản này.