Thừa Thiên Huế:

Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 17/10/2022 20:27
(ThanhtraVietNam) - Căn cứ kết quả chấm điểm, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và kết quả tự chấm điểm, đánh giá năm 2021. Nhằm cải thiện điểm số đánh giá công tác PCTN của tỉnh, nhất là các chỉ số không có điểm năm 2021. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra Kế hoạch cụ thể đối với từng chỉ số chưa có điểm trong năm vừa qua.

Theo đó, căn cứ kết quả chấm điểm, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được Thanh tra Chính phủ chấm 54,44/100 điểm (tăng 3,85 điểm so với năm 2019). Năm 2021, kết quả tự chấm được 67/100 điểm. Qua rà soát, kiểm tra và chấm điểm bước đầu của Thanh tra Chính phủ đã thống nhất 60/100 điểm (tăng 5,56 điểm so với năm 2020).

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh, cải thiện điểm số đánh giá công tác PCTN của tỉnh, nhất là các chỉ số có điểm số chiếm tỷ trọng cao và ảnh hưởng lớn đến tổng điểm, trong đó các chỉ số không có điểm năm 2021 là: kết quả kiểm soát xung đột lợi ích; kết quả thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg; kết quả công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước; việc phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, giám sát; kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN; kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đối với những chỉ số này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra các Kế hoạch thực hiện cụ thể:

Về kiểm soát xung đột lợi ích, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, kiểm soát, xử lý kịp thời theo quy định tại Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và quy định tại Mục 3 Chương IV Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các trường hợp xung đột lợi ích xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh, về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm xây dựng Kế hoạch để triển khai, tổ chức thực hiện với nội dung tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì các đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh về tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời những thông tin phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và hành vi gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

leftcenterrightdel
Thừa Thiên Huế thực hiện các giải pháp nâng cao hiêu quả công tác đánh giá PCTN  

Về phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hơp với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng cho lãnh đạo và người lao động tại các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quy định về biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động; về kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về PCTN; tiến hành đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước.

Về phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát và giải quyết đơn phản ánh, tố cáo tham nhũng; tiếp nhận thông tin về tham nhũng,  nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, các hành vi tham nhũng nói riêng. Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản ánh có nội dung tố cáo liên quan đến tham nhũng ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình giải quyết làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo,... mới chuyến hồ sơ vụ việc.

Đồng thời, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh; các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao khả năng phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định khi tiếp nhận thông tin về tham nhũng và phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động giám sát.

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi đế xảy ra tham nhũng, khi có kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đâu, cấp phó của người đứng đâu đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách./.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra