|
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: N. Lộc |
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, việc hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra là một trong những nội dung luôn được Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao kịp thời ngay từ khâu xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm. Do đó, ngoài việc ký Quy chế phối hợp công tác với Thanh tra Chính phủ, trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán năm, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã chủ động làm việc, trao đổi, rà soát đến từng cuộc kiểm toán. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước luôn hướng đến tiêu chí khoa học, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cụ thể, hàng năm, Kiểm toán nhà nước đều gửi dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm sau xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đồng thời, gửi xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan khác, đặc biệt các bộ có thanh tra chuyên ngành (như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…) và các Đại biểu Quốc hội đối với dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm sau.
Do vậy, về cơ bản kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước trước khi được ban hành đã được lấy ý kiến của các bộ ngành, các đại biểu Quốc hội, xử lý chồng chéo với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan để đảm bảo Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán nhà nước khi ban hành không trùng lặp nhiệm vụ với các cơ quan khác.
Trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán phát sinh trùng lặp, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để xử lý, thực hiện đúng nguyên tắc, yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 “xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 01 lần/năm về cùng 01 nội dung đối với 01 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Một số trường hợp xử lý trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023 như: Điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm đối với nhiệm vụ do trùng với Thanh tra Chính phủ (Tỉnh ủy Tây Ninh, Đồng Nai); trùng với Ủy ban kiểm tra trung ương (Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 Đài Tiếng nói Việt Nam); trùng với Thanh tra tỉnh (Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2022; Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Tiền Giang).
|
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ đạo tại một hội nghị chuyên ngành. Ảnh: N. Lộc |
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng điều chỉnh giảm 19 đơn vị, dự án, doanh nghiệp không kiểm toán chi tiết để tránh chồng chéo với thanh tra, cơ quan cảnh sát điều tra trong quá trình tổ chức các cuộc kiểm toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề tại các địa phương.
Tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều đổi mới tích cực. Một trong những đổi mới này là ban hành quy định kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, tại Kiểm toán nhà nước, công tác khắc phục tình trạng chồng chéo thanh tra, kiểm toán đã và sẽ tiếp tục có những quyết sách phù hợp với xu thế chung nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ nhằm hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, Kế hoạch kiểm toán hàng năm; ngay từ đầu năm trao đổi thông tin kịp thời về kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán; đồng thời, công khai Kế hoạch kiểm toán, Kế hoạch thanh tra để hai cơ quan và các đơn vị có liên quan được biết.
Phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán theo Điều 55 Luật Thanh tra năm 2022 “Khi tiến hành hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan Kiểm toán nhà nước”.
Tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước (được quy định tại Điều 110 Luật Thanh tra năm 2022)
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước; của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, chuyên ngành theo quy định. (Luật Thanh tra năm 2022, Chương VI quy định phối hợp trong hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước tại các Điều 107, 108, 109).