Thanh tra Bộ GTVT :

Triển khai quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Cục Hàng hải Việt Nam

Thứ sáu, 13/10/2023 11:33
(ThanhtraVietNam) - Ngày 12/10, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và Trường Cán bộ quản lý GTVT tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC); công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập cá nhân. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các đơn vị trực thuộc Cục trong toàn quốc.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết, thời gian qua Cục Hàng hải Việt Nam luôn coi công tác PCTN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị. Cục đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ tới từng cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát;... với mục đích phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; rà soát các khâu, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; quán triệt, phổ biến đến tất cả các công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị triệt để chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, TC. Với địa bàn quản lý trải dài từ Bắc vào Nam với 22 cảng vụ, các chi nhánh và đầu mối, hội nghị quán triệt về công tác PCTN vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực với Cục Hàng hải VN. Vì vậy các cán bộ, công chức, viên chức tham dự hội nghị cần tiếp thu một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm, từ đó có biện pháp phòng ngừa.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười  phát biểu tại hội nghị 

Phát biểu chỉ đạo và quán triệt triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng, Bộ GTVT về công tác PCTN, TC,  Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng cho biết, hàng năm, Bộ GTVT được Nhà nước giao khối lượng vốn lớn; Bộ vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là cơ quan trực tiếp thực hiện các dự án. Công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT đều liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Với đặc thù như vậy, các lĩnh vực do Bộ GTVT quản lý có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng. Riêng lĩnh vực hàng hải, có nhiều lĩnh vực quản lý, từ cảng bến, đầu tư xây dựng, tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp, người dân nên tiềm ẩn vi phạm, dễ xảy tiêu cực. 

Thời gian vừa qua, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian vừa qua vẫn còn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và nỗ lực, cố gắng của ngành GTVT. Nguyên nhân chính là một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC; công tác tự phòng ngừa, tự phát hiện tham nhũng chưa tốt; thể chế, pháp luật, quy chuẩn vẫn còn sơ hở, bất cập; công tác tuyên truyền, giáo dục còn chưa thực chất; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng phát biểu tại hội nghị 

Để tăng cường phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung nghiêm cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, có kết quả cụ thể, kết quả phải được nắm bắt, đo đếm được… để có sự đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai thực hiện. Cùng với đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách; quy trình, quy định nội bộ để khắc phục sơ hở, chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm khi không kịp thời nhận diện, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tư tưởng; quán triệt văn bản về PCTN, TC. Nâng cao chất lượng kiểm tra, sau kiểm tra phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, cảnh báo chung.

Chánh Thanh tra Lâm Văn Hoàng cũng lưu ý công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện nghiêm túc, trung thực, chính xác theo mẫu, không tự ý cắt bỏ các nội dung; kê khai đầy đủ, chính xác tổng thu nhập giữa hai lần kê khai, tránh dẫn đến chênh lệch giữa thu nhập thực tế và khoản kê khai...

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị 

Tại hội nghị, các đại biểu nghe giảng viên chính Khổng Nguyệt Anh, Trường Cán bộ quản lý GTVT phổ biến các văn bản, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, TC; Nghị quyết số 50-NQ/BCSĐ ngày 5/10/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT về tiếp tục tăng cường công tác PCTN, TC; Quyết định số 1504/QĐ-BGTVT ngày 14/11/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN, TC giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”… TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, trình bày, trao đổi nội dung về “nhận diện, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực và một số tồn tại, sai phạm thường xảy ra được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ; bài học kinh nghiệm rút ra đối với các đơn vị, doanh nghiệp”; chia sẻ một số lưu ý trong thực hiện kê khai tài sản, thu nhập..../.

DT
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra