ADIZ - quả bom hẹn giờ

Chủ nhật, 08/12/2013 03:25
ADIZ là một bước mới của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng, đe dọa ổn định khu vực.

Với việc ngày 23/11 chính thức công bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, ban lãnh đạo Bắc Kinh đã đi một nước cờ tạo chuyển động lớn mang tính phức tạp đa chiều. Nó bộc lộ ý đồ của Trung Quốc, như tuyên bố tức thời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, là “thay đổi ổn định và nguyên trạng ở khu vực”. Bằng hành động này, Trung Quốc thách thức trật tự khu vực hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ cầm trịch.

Nhưng, Trung Quốc muốn tạo ra khủng hoảng để giải quyết khủng hoảng. Theo Báo sớm Đông Phương, một ấn phẩm của Bắc Kinh, Trung Quốc cần phải kiên trì chiến lược đã có, đứng vững trước áp lực từ Nhật Bản, đồng thời nỗ lực hóa giải dồn ép chiến lược của Mỹ. Mặt khác, cần phải lấy “cơ chế tham vấn an ninh, quân sự trên biển Trung-Mỹ” làm diễn đàn, tăng cường khơi thông và giao lưu với Mỹ, ở một chừng mực nhất định có thể làm dịu cường độ đối kháng giữa hai nước.

Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình thị sát tàu sân bay Liêu Ninh tại Thanh Đảo, bên biển Hoa Đông, ngày 28/8/2013, trước khi tàu tiến vào Biển Đông tập trận

Điều này diễn ra chỉ một năm sau khi Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc nêu chủ trương “thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới”, mà thực chất và chủ yếu là với Mỹ. Điểm khác biệt là Trung Quốc giành quyền chủ động dẫn dắt cuộc chơi với Mỹ vào thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Biden thăm châu Á đầu tháng 12 và Tổng thống Obama thăm khu vực này vào tháng 4 sang năm. Vụ việc ADIZ trong ngắn hạn sẽ buộc Mỹ bộc lộ thái độ và không dễ dàng thực thi “tiêu chuẩn kép”.

Về dài hạn, việc thiết lập ADIZ tại Hoa Đông chỉ là một bước trong chiến lược tiến ra đại dương của Trung Quốc. Theo Tuần san châu Á (Hong Kong), quyết định thiết lập ADIZ là bước đột phá quan trọng trong chiến lược hải quân-không quân. Việc phạm vi ADIZ tiếp cận tuyến đường qua eo biển Miyako (của Nhật Bản) cho thấy hạt nhân đối kháng Trung-Nhật đã phát triển từ khu vực đường trung tuyến Trung-Nhật trên biển Hoa Đông về hướng đảo Miyako. Ý nghĩ sâu xa ẩn giấu đằng sau sự phát triển này nằm ở việc tiêu điểm quan tâm chú ý của Trung Quốc đã không còn chỉ là quần đảo Điếu Ngư, không còn chỉ là giếng dầu khí ở khu vực đường trung tuyến trên biển Hoa Đông, mà là đường ra biển đột phá qua chuỗi đảo thứ nhất.

“Chuỗi đảo thứ nhất” chính là tuyến phòng vệ hải đảo do Mỹ đề ra từ những năm 1950 như bức tường thành để kiềm chế Trung Quốc từ phía biển. Nó bắt đầu từ các đảo phía nam của Nhật Bản, kéo dài qua biển Hoa Đông, Đài Loan, Philippines tới phía nam Biển Đông. Các nhà hoạch định chiến lược xây dựng hải quân Trung Quốc từ những năm 1980 đề ra mục tiêu giữ hải quân Mỹ ở xa ngoài vùng bờ biển của Trung Quốc và vùng biển bên trong “chuỗi đảo thứ nhất”.

Mỹ là lực lượng chủ yếu thực hiện chủ trương ngăn chặn hải quân Trung Quốc tiến ra biển xa, thể hiện rõ trong việc tái bố trí và tăng cường binh lực thông qua chính sách xoay trục sang châu Á, triển khai từ năm 2010 đến nay. Do đó một trong những nội dung của cuộc cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ sắp tới sẽ xoay quanh nỗ lực thay đổi nguyên trạng và giữ nguyên trạng mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ bên nào.

Nhật Bản sẽ chịu áp lực trực tiếp từ chiến thuật không-biển của Trung Quốc. Trong năm đầu cầm quyền của mình, Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện một số biện pháp cải cách an ninh quân sự quan trọng, tăng cường khả năng ứng phó nhanh trong mọi tình huống của các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ tăng cường hiện đại hóa quân sự, “lách” luật để thoát khỏi những ràng buộc trong khi chờ đợi thời cơ điều chỉnh Hiến pháp 1947. Ngày 27/11, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, trao thêm quyền hạn cho Thủ tướng phối hợp chính sách an ninh quốc phòng, khắc phục những bất cập khi đối phó với các tình huống liên quan đến an ninh quốc gia. Bước tiếp theo là thông qua “quyền tự vệ tập thể” để tăng cường phối hợp với các lực lượng Mỹ ứng phó với các mối đe dọa mới. Sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang Nhật-Mỹ sẽ được thúc đẩy lên tầm mức cao hơn.

Cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề quân đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng sẽ có biến tướng mới, trước ý đồ của Trung Quốc dùng ADIZ để tạo ưu thế trong việc giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên, giữa lúc căng thẳng trên biển Hoa Đông leo thang, tại vòng đàm phán thứ ba về Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên, diễn ra tại Tokyo ngày 29/11, các đại diện Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt một số tiến bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận thị trường và sở hữu trí tuệ. Ba bên đều nhất trí cần kết thúc các cuộc đàm phán này trước khi hết năm 2015 và dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán FTA tiếp theo tại Hàn Quốc vào tháng 2/2014.

Đàm phán FTA ba bên cho thấy nỗ lực của Trung Quốc tiến hành mũi giáp công thứ hai, đó là sử dụng các quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ giữa ba nước để đẩy Mỹ ra khỏi Đông Bắc Á, lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc vào khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với Biển Đông, giới mưu sĩ Trung Quốc đã đề cập đến việc áp dụng ADIZ. Vào thời điểm tàu sân bay Liêu Ninh vào tập trận tại Biển Đông, các nguồn tin Trung Quốc đã khẳng định rằng phạm vi khống chế của căn cứ hàng không mẫu hạm Tam Á (Hải Nam) bao gồm cả Biển Đông và cho đây là yêu cầu đối với căn cứ này.

Tuy nhiên, ADIZ cũng cho thấy một mặt khác của bức tranh: Tình hình nội bộ Trung Quốc có thể không ổn định như vẻ ngoài, buộc ban lãnh đạo Bắc Kinh phải có những biện pháp cấp bách đẩy xung đột ra bên ngoài để đánh lạc hướng dư luận trong nước. Các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng xem ra là những khu vực thuận lợi cho chủ trương đó./.

Theo Người bình luận
Tổ Quốc

tranthanhhuyen
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra