Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc tế PressTV, cựu điệp viên CIA Xcốt Ríc-cát (Scott Rickard) cho biết, Mỹ với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) đã chi 5 tỷ USD cho "Dự án Cam". Ông Ríc-cát thậm chí còn nêu đích danh những nhà tài trợ chính cho cuộc đảo chính vừa xảy ra ở Ki-ép, trong đó có nhà sáng lập mạng dịch vụ Ebay P. Ô-mi-đi-a (P. Omidyar), chuyên gia tài chính và nhà đầu tư người Mỹ G. Xô-rốt (G. Soros). "Không ai khác, chính phương Tây đã đạo diễn “cuộc khởi nghĩa” ở Ki-ép. Nguyên nhân của những sự kiện này không nằm ngoài yếu tố kinh tế và địa chính trị. Phương Tây nỗ lực kéo U-crai-na cũng như một số quốc gia cựu Xô-viết khác về phía NATO. Đồng thời, đưa các quốc gia này gia nhập vào Liên minh châu Âu”, cựu điệp viên CIA tiết lộ với truyền thông.
Theo nhận định của ông Ríc-cát, tình hình ở U-crai-na hiện nay bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế, xã hội, ngân khố trống rỗng, đời sống người dân đi xuống, buộc phải chờ đợi những gói cứu trợ từ phương Tây chính là những bước phát triển theo dự định và làm hài lòng Chính quyền Mỹ. Hiện, Chính quyền Mỹ và các cá nhân bị cáo buộc thực hiện "Dự án Cam" chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin do cựu điệp viên CIA Xcốt Ríc-cát đưa ra.
|
Cựu điệp viên CIA Xcốt Ríc-cát trong một đoạn clip phỏng vấn của hãng PressTV. Ảnh: presstv.ir |
Một diễn biến khác cũng khiến ngày càng có nhiều người nghi ngờ phương Tây can dự sâu vào cơn chính biến ở U-crai-na. Một đoạn băng ghi âm rò rỉ trên mạng YouTube ngày 5-3 cho thấy, Ngoại trưởng Ê-xtô-ni-a U-ma Pa-ết (Urmas Paet) đã nói với Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh và đối ngoại EU C. A-xtơn (C. Ashton) về những cáo buộc cho rằng, các nhà lãnh đạo biểu tình thân phương Tây của U-crai-na có thể đã nhúng tay vào cuộc đổ máu ở Ki-ép ngày 20 và 21-2, khiến hàng chục người biểu tình và khoảng 15 cảnh sát thiệt mạng.
Ngày 5-3, Bộ Ngoại giao Ê-xtô-ni-a ra thông cáo báo chí, trong đó xác nhận tính xác thực của các đoạn ghi âm cuộc nói chuyện trên. Thông cáo cho hay, ông U-maPa-ết có cuộc trao đổi điện thoại này sau khi trở về từ Ki-ép. Tại đây, ông đã nói chuyện với một đại diện của phe đối lập U-crai-na chống chính phủ của cựu Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích (V. Yanukovych) khi đó. Ông Pa-ết được thông báo có sự xuất hiện của các tay súng trong đội hình của những người biểu tình ở Ki-ép. Họ đã hạ sát hàng chục người, bao gồm cả cảnh sát và người biểu tình. Phe đối lập ở Ki-ép thuyết phục ông Pa-ết về việc không mở rộng điều tra vụ việc có các tay súng bắn tỉa này vì phe đối lập đứng đằng sau chuyện này. Qua điện thoại, ông Pa-ết nói với bà A-xtơn rằng, có thể phe đối lập đã thuê những tay bắn tỉa này từ lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông còn nhắc tới cuộc trò chuyện giữa ông với bà Ôn-ga Bô-gô-mô-lết (Olga Bogomolets), bác sĩ chính ở Quảng trường Độc lập, người đã điều trị cho những người bị trúng đạn tại Ki-ép. “Chính bác sĩ Ôn-ga cũng nói, bằng chứng từ những người thiệt mạng đều cho thấy, một nhóm tay súng bắn tỉa đã nã súng vào cả hai phe, bao gồm cả cảnh sát và người biểu tình trên phố. Bà cho tôi xem vài bức ảnh và khẳng định, họ bị trúng cùng một loại đạn, đồng thời, bức xúc vì chính phủ mới thành lập không muốn đi sâu điều tra những gì đã thực sự xảy ra. Nên có lý do để ngầm hiểu không phải ông Y-a-nu-cô-vích mà là chính phủ liên hiệp mới là thế lực giật dây những tay súng này”, giọng nam trong đoạn băng nói.
Hiện, nữ phát ngôn viên Min-na Li-i-na Lin (Minna-Liina Lind) của ông Pa-ết đã xác nhận tính xác thực của đoạn ghi âm nói trên. Bà nói thêm rằng, vị ngoại trưởng này “hết sức lấy làm tiếc” về việc đoạn hội thoại bị rò rỉ. Song, bà A-xtơn chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này, còn bác sĩ Bô-gô-mô-lết lên tiếng phủ nhận rằng đã nói với Bộ trưởng Ê-xtô-ni-a về việc cả người biểu tình và cảnh sát bị giết bởi cùng một cách hay cùng một người “từ chính phủ liên hiệp mới”.
Chính phủ Mỹ cũng từ chối bình luận thông tin cuộc nói chuyện trên. Trong khi đó, báo chí Nga phủ nhận thông tin Mát-xcơ-va nghe lén cuộc điện thoại giữa hai nhà ngoại giao Ê-xtô-ni-a và EU. Theo trang mạng RT của truyền hình Nga, tập tin ghi lại cuộc hội thoại này được các quan chức của Cơ quan An ninh U-crai-na (SBU), vốn trung thành với ông Y-a-nu-cô-vích, lấy được bằng cách xâm nhập vào điện thoại hai quan chức trên rồi đăng tải lại trên website cơ quan. Đoạn nói chuyện sau đó xuất hiện trên YouTube. Nhiều trang mạng ở Nga đã phát tán đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện giữa bà A-xtơn và ông Pa-ết. Theo nhận xét của truyền thông Nga, qua các đoạn ghi âm này có thể thấy rõ là EU, cụ thể là bà A-xtơn, đã biết rõ việc các tay súng bắn tỉa trong nhóm biểu tình đã bắn trọng thương hàng chục người, trong đó có người đã qua đời tại bệnh viện. Đặc biệt, truyền thông Nga còn cáo buộc các nhà ngoại giao châu Âu biết rõ phe biểu tình đối lập đã thuê lính bắn tỉa nhưng vẫn cố tình làm ngơ.
Hãng thông tấn Nga Itar-tass ngày 4-3 dẫn một số nguồn tin cho rằng, một nhóm các chuyên gia phương Tây bắt đầu hoạt động tại Ki-ép để chuẩn bị đưa ra các thông tin gây kích động, trong đó có việc loan tin về khả năng xảy ra các hoạt động quân sự ở khu vực giáp giới với Nga, từ đó kích động người dân di chuyển về trung tâm và khu vực phía Tây U-crai-na. Ngoài ra, các phần tử cực đoan tại phía Tây U-crai-na cũng tới những gia đình có người thân làm việc ở Nga, đe dọa họ phải gọi người thân rời khỏi nước Nga. Nhóm chuyên gia này cũng đưa ra đề xuất gây áp lực với các nhà báo Nga tác nghiệp tại U-crai-na.
Theo thống kê của U-crai-na, 94 người đã thiệt mạng và 900 người khác bị thương kể từ khi phe đối lập U-crai-na tổ chức biểu tình ở Quảng trường Độc lập nhằm lật đổ ông Y-a-nu-cô-vích.
Theo HÀ HÙNG
Quân đội nhân dân