|
Các cuộc biểu tình ở Bangkok đã biến thành bạo động |
Nguy cơ giải tán Quốc hội
Hôm qua (1/12), cảnh sát Thái Lan đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình tìm cách tiến đến Tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Bangkok. Các khu vực có trụ sở cơ quan chính quyền ở Thủ đô Bangkok đã được đặt trong tình trạng an ninh cao nhất, với hơn 21.000 cảnh sát cùng khoảng 2.730 binh sỹ thuộc hải quân và không quân đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, ngày 1/12, thủ lĩnh phe Áo Đỏ (ủng hộ Chính phủ) Thida Thavornseth đã yêu cầu 70.000 người biểu tình đang tập trung tại một sân vận động ở Bangkok hãy giải tán và trở về nhà vì không muốn làm tình hình phức tạp thêm - theo Hãng tin AFP.
"Tôi không có ý định trốn chạy sự hỗn loạn chính trị và sẽ tiếp tục công việc. Chính phủ sẵn sàng đối thoại với tất cả các nhóm đối lập để mang lại một kết cục hòa bình cho những bế tắc chính trị”.
Bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan |
Kittisak Srisunthorn 36 tuổi cho biết bị bắn vào tay trong lúc ngồi cùng một nhóm phe Áo Đỏ. “Tôi nghe thấy tiếng bom tự chế, tiếng súng nổ. Mọi người bắt đầu quăng đá và chai thủy tinh. Có chừng 100 người tụ tập. Tôi không thấy cảnh sát”. Đại tá Narongrit Promsawat cho AP hay các cuộc đụng độ có sự tham gia của sinh viên, họ ngăn những người ủng hộ Chính phủ đi vào khu vực tụ tập. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ ngắt quãng.
Trung tâm quản trị vì hòa bình và trật tự đóng cửa 14 tuyến đường do đó nhiều kế hoạch khai trương và sự kiện dự kiến được tổ chức trong các khu vực này đã bị hoãn vô thời hạn.
Tờ Bankokpost trích nguồn tin từ nhiều thành viên trong Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) cầm quyền cho hay, giải tán Quốc hội sẽ là “giải pháp cuối cùng” để chấm dứt khủng hoảng. Cũng theo nguồn tin này, trước đó, các lãnh đạo Đảng đã họp với Thủ tướng Yingluck Shinawatra để bàn phương cách đối phó. Một quan chức cấp cao trong Đảng nói “Chính phủ sẽ cố hết sức để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, nếu đến cuối cùng mọi phương pháp đều thất bại thì chúng tôi bắt buộc phải giải tán Quốc hội”. Theo một số nhà quan sát, phương án này có thể ngay lập tức làm dịu tình hình căng thẳng, trong khi đó, Đảng Pheu Thai hoàn toàn có khả năng thắng cử nếu tổ chức bầu cử lại.
Tuy nhiên, theo ông Col Apiwan - một nghị sĩ Đảng Pheu Thai, điều quan trọng là hai bên phải cùng ngồi lại đàm phán trước khi giải tán Quốc hội bởi nếu không, biểu tình sẽ tiếp diễn khi Đảng Pheu Thai chiến thắng trong cuộc tái bầu cử. Ông Col Apiwan đồng ý với một số đề xuất thực hiện trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp trước khi giải tán Quốc hội.
Quân đội trung gian hòa giải
Cũng trong hôm qua (1/12), Tư lệnh Lục quân Thái Lan - Prayuth Chan-ocha đã đề nghị dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và những người biểu tình nhằm giải quyết cuộc xung đột chính trị hiện nay. Người phát ngôn quân đội cho biết Tư lệnh Prayuth sẽ đề xuất để tìm cách cho phép hai bên tổ chức các cuộc đàm phán song nhấn mạnh rằng trước hết hai bên phải chấm dứt đối đầu.
Theo người phát ngôn viên, ông Prayuth đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đã đề nghị người đứng đầu lực lượng Cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew chỉ thị cho các nhân viên không được bắn hơn cay vào người biểu tình.
Trước đó, ông Prayuth đã đưa ra tuyên bố nói rằng quân đội sẽ giữ vị trí trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đồng thời, yêu cầu những người biểu tình chống Chính phủ không cố gắng buộc quân đội lựa chọn bên nào.
Người biểu tình vi phạm Hiến pháp
Trong một diễn biến mới nhất, Văn phòng Bộ Tư pháp Thái Lan đã chấp nhận xem xét việc kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp về khả năng vi phạm Điều 68 của Hiến pháp đối với hành vi phát động biểu tình của ông Suthep. Điều 68 của Hiến pháp Thái Lan cấm bất cứ cá nhân hay tổ chức nào muốn lật đổ chế độ và thực hiện các biện pháp vi hiến để giành quyền lực. Đơn kiến nghị nêu rõ người biểu tình đang tìm cách lật đổ chính quyền hợp pháp bằng các biện pháp vi hiến, bao gồm chiếm trụ sở cơ quan chính quyền và thiết lập cái gọi là hội đồng nhân dân để giành chính quyền.
Theo Trang Trần - Hà Minh
Báo Giao thông Vận tải