Bắt cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang
Thứ tư, 04/12/2013 14:43 (GMT+7)
Hôm qua, báo giới quốc tế đồng loạt đưa tin, ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, người được cho là “cái ô của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai” bị bắt ngày 1/12.
Ông Chu Vĩnh Khang SN 1942, người tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc) năm 1966. Lãnh đạo Công ty Dầu khí quốc gia từ năm 1996-1998 rồi chuyển sang làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên đến năm 1999. Giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên giai đoạn 1999-2002. Vào Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an đến năm 2007. Trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nắm Ủy ban Chính Pháp từ năm 2007-2012.
Kể từ tháng 9, báo giới Trung Quốc đã đăng tải tin tức vụ bê bối tham nhũng trong lĩnh vực dầu khí của Trung Quốc. Ông Chu từng là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
|
Ông Chu Vĩnh Khang |
Cuối tháng 11/2013, Mễ Hiểu Đông, một cựu quan chức cấp trung CNPC bị cảnh sát bắt giữ, trang tin Caixin đưa tin. Hãng tin này và BBC cùng xác nhận ông này và con trai Chu Vĩnh Khang - Chu Tân (cựu Chủ tịch của Công ty dầu và khí tự nhiên Bắc Kinh Zhongxu Yangguang Technology Ltd) có mối quan hệ làm ăn mật thiết. Công ty riêng của hai người đã bán các thiết bị với giá từ 20.000-100.000 USD cho các công ty dầu khí của Trung Quốc đóng tại Iraq, nhưng từ đó vẫn chưa sử dụng lần nào. Chu Tân còn sở hữu nhiều tài sản ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Hồng Kông cũng như ở nhiều nước như Pháp, Mỹ và Thụy Sĩ.
Tờ 21st Century Business Herald phát hiện ra một công ty con của CNPC đã bán quyền khai thác mỏ nhiều lợi nhuận cho Công ty Đầu tư Hồng Phong Gia Phi. Cổ đông lớn thứ 2 của công ty này là Chu Linh Anh, 62 tuổi (em gái Chu Vĩnh Khang). Tháng trước, cũng hãng tin Caixin phanh phui việc vợ Chu Vĩnh Khang là bà Chu Tân và bố mẹ vợ có dính líu vào làm ăn tại CNPC.
Ngoài cáo buộc tham nhũng, ông Chu Vĩnh Khang có thể sẽ bị điều tra về lạm dụng chức quyền trong thời gian nắm Ủy ban Chính Pháp từ 2007-2012. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến an ninh - trật tự và luật pháp của Trung Quốc, có quyền giám sát hoạt động của mọi lực lượng thi hành luật, kể cả cảnh sát. Cơ quan này có ngân sách gần 112 tỷ USD.
Các chuyên gia phân tích chính trị coi đây là “bước đi bất thường” của Chủ tịch Tập Cận Bình bởi người đứng đầu ban chuyên án là Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Cảnh sát Bắc Kinh Phó Chính Hoa. Ông Phó Chính Hoa sẽ báo cáo trực tiếp với ông Tập Cận Bình diễn tiến điều tra. Theo lệ, những trường hợp như vậy sẽ do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - Hệ thống điều tra nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành. Những đối tượng là các quan chức cao cấp do CCDI điều tra sẽ không công bố rộng rãi mà chỉ chuyển nội dung điều tra cho công an và viện công tố sau khi lãnh đạo cấp cao có quyết định truy tố hay không.
Theo Hà Minh
Giao Thông Vận Tải
tranthanhhuyen