Bất ổn tài chính cản trở dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển
Thứ sáu, 08/06/2018 06:46 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, tình trạng bấp bênh về tài chính, bắt nguồn từ "những rủi ro đáng kể" đối với thương mại toàn cầu, là nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài giảm mạnh và những nước đang phát triển sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.
Báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm 2017 đã giảm gần 1/4 xuống còn 1.400 tỷ USD. Sự sụt giảm này được đánh giá là khá nghiêm trọng vì FDI đóng vai trò sống còn đối với sự phát triển công nghiệp, trong đó có việc nâng cấp các cơ sở và những hạ tầng cơ sở khác; đồng thời FDI cũng kết nối các quốc gia với những thị trường quốc tế, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh.
Cụ thể, luồng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế phát triển giảm mạnh nhất tới 37% xuống còn 712 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề khiến UNCTAD lo ngại hơn cả là "tình trạng thiếu sự phục hồi FDI" ở các nền kinh tế đang phát triển vì FDI là "nguồn đóng góp bên ngoài lớn nhất" cho năng lực tài chính của những nước này, chiếm khoảng 40%.
Tại các quốc gia châu Phi, số vốn FDI tiếp tục đi xuống trong năm 2017 và giảm 21% so với năm 2016, xuống còn 42 tỷ USD. Ngược lại, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các nền kinh tế đang phát triển của châu Á "vẫn ổn định" khi họ rót tới 476 tỷ USD, giúp khu vực duy trì được vị thế là nơi nhận được nhiều FDI nhất trên thế giới.
Trong khi đó, lượng FDI vào Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2017 tăng 8% và đạt 151 tỷ USD, lần tăng đầu tiên trong sáu năm qua và thể hiện sự phục hồi kinh tế. Tuy vậy, con số này vẫn "thấp hơn nhiều" so với mức đỉnh điểm hồi năm 2011 trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh.
Đối với những quốc gia kém phát triển nhất (gọi tắt là LDC, với 33% số nước này nằm ở châu Phi), tình hình vốn FDI "vẫn mong manh" trong năm 2017. Những nền kinh tế có vấn đề về cấu trúc và dễ bị tổn thương này chứng kiến vốn FDI giảm 17% xuống còn 26 tỷ USD, dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội xây dựng nền công nghiệp mới và cải thiện hạ tầng cơ sở.
Báo cáo của UNCTAD dự đoán FDI toàn cầu sẽ tăng 10% trong năm 2018, song vẫn thấp hơn mức trung bình trong 10 năm qua, và theo kinh nghiệm rút ra từ quá khứ thì điều này gây ra những "nguy cơ khá nghiêm trọng" và sự bất ổn chính trị, có liên quan đến những căng thẳng thương mại "đang lan rộng" trên khắp thế giới. Báo cáo cũng cảnh báo rằng tiến trình cải cách thuế được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay cũng có thể ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của toàn cầu trong tương lai./.
Dương Thái
(Theo Reuters)