Có hay không sự khác biệt về giới đối với hành vi tham nhũng trên thế giới?

Thứ năm, 20/09/2018 07:59
(ThanhtraVietNam) - Nhiều người tin rằng mức độ tham nhũng ở phụ nữ ít hơn nam giới, ngay cả các chuyên gia trên thế giới cũng đồng tình với quan điểm này. Một cuộc khảo sát do các nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Rice, Mỹ tiến hành cho thấy, các nữ chính trị gia thường có xu hướng tham nhũng ít hơn so với các đồng nghiệp nam.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Đội nữ cảnh sát tinh nhuệ tại Nhật Bản. Nguồn: internet
Sự khác nhau về khả năng chấp nhận hay khước từ có thể phần nào giải thích cho sự khác biệt về giới trong hành vi tham nhũng và điều này có thể sẽ góp phần không nhỏ trong việc lựa chọn chính sách. Tuy nhiên, yếu tố giáo dục, môi trường, hoàn cảnh sống mới là nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt trong hành vi tham nhũng.

Tính liêm khiết

Tại Cusco, Peru, khi nhắc về tham nhũng giữa các cán bộ giao thông với lái xe taxi, hầu hết mọi người đều cho rằng: "Thật dễ dàng để “thuyết phục” một cảnh sát nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng vi phạm giao thông hoặc một số vấn đề với giấy phép. Thế nhưng bây giờ hầu hết các nhân viên giao thông là phụ nữ, hãy quên nó đi. Họ sẽ không “khoan dung” như vậy!" Các cuộc phỏng vấn với tài xế taxi tại Colombia cũng cho kết quả tương tự. Những phản ứng này phản ánh một quan điểm chung rằng: Phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới. Giải thích phổ biến nhất cho sự khác biệt này là: Phụ nữ từ thiện và vị tha hơn; họ là những người mẹ, mang trong mình những giá trị cao đẹp hơn. Những lời giải thích này dường như không đủ mạnh, mà chỉ đơn giản cho rằng phụ nữ ít bị tham nhũng hơn. Tuy nhiên, ý tưởng về việc phụ nữ ít bị tham nhũng hơn nam giới có lẽ không phải là không có căn cứ.

Một số nhà nghiên cứu tại Viện Chất lượng Chính phủ của Đại học Gothenburg đã điều tra vấn đề về giới và tham nhũng. Họ đã có những tiếp cận từ những góc độ khác nhau và đăng nhiều bài báo liên quan đến vấn đề này, cụ thể là giả thuyết về việc: Liệu phụ nữ có tham nhũng ít hơn nam giới?

So sánh dữ liệu các nghiên cứu điển hình ở mức độ xuyên quốc gia và ở tất cả các tầng lớp trong xã hội để khám phá mối liên hệ giữa giới và tham nhũng cho thấy, khi đề cập tới hành vi tham nhũng, khoảng cách về giới khác nhau rất nhiều ở châu Âu và gắn liền với các quy tắc và văn hoá của các cơ quan chính phủ. Trong trường hợp của Mexico, những số liệu khảo sát địa phương đã được sử dụng để so sánh mức độ tham nhũng theo thời gian và mức độ liên quan đến số phụ nữ trong chính phủ. Kết quả cho thấy sự hiện diện của phụ nữ trong chính phủ góp phần giảm tham nhũng. Tại Mexico, chính quyền đã chỉ định phụ nữ làm lãnh đạo trong lĩnh vực kiểm soát giao thông. Kết quả, sau một thời gian, không phụ nữ nào trong lĩnh vực này bị tố cáo có hành vi đòi hoặc nhận hối lộ. Việc này cũng được áp dụng với lực lượng an ninh tại Peru. Ở TP Lima, tham nhũng đã giảm rõ rệt sau khi lực lượng an ninh tuyển dụng rất nhiều nữ cảnh sát.

Trong một nghiên cứu về Quan điểm về Giới và Tham nhũng, Mattias Agerberg, một chuyên gia cứu tại Viện Chất lượng Chính phủ của Đại học Gothenburg đã sử dụng các dữ liệu khu vực về quản lý ở Châu Âu do Viện Quản lý Chất lượng thu thập để tìm hiểu những khác biệt về giới trong vấn đề tham nhũng ở Châu Âu theo góc độ cá nhân và thể chế. Ông nhận thấy những khác biệt về giới đối với tham nhũng dường như tồn tại ở tất cả các quốc gia được đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu của ông cũng lập luận rằng, một tỷ lệ lớn hơn các nữ chính trị gia nữ được bầu ở địa phương có thể có những tác động tích cực đến chất lượng quản lý của khu vực. Những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Viện Chất lượng Chính phủ của Đại học Gothenburg cung cấp nhiều bằng chứng cần thiết cho mối quan hệ giữa giới và tham nhũng góp phần nâng cao kiến ​​thức trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Bất bình đẳng giới và tham nhũng

Liệu có hay không một mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và tham nhũng? Bước đầu tiên để trả lời câu hỏi này đơn giản chỉ là so sánh dữ liệu quốc gia về tham nhũng với dữ liệu về bất bình đẳng giới. Khi so sánh dữ liệu từ Chỉ số Bất bình đẳng Giới tính trong Báo cáo Phát triển Con người của Liên hợp quốc với Báo cáo Kiểm soát Tham nhũng của Các Chỉ số Quản trị Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (năm 2013), cho thấy có sự tương quan tỷ lệ nghịch giữa kiểm soát tham nhũng và bất bình đẳng giới. Sự tương quan cho thấy sự bất bình đẳng giới càng cao thì với mức độ tham nhũng cũng càng cao. Tuy nhiên, kết quả trên cũng không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về các khả năng khác và cũng không nhắc gì đến những hệ quả của vấn đề trên đem lại.

Hai nghiên cứu tiên phong về vấn đề này là Dollar et al. - xuất bản lần đầu như là một bài báo của Ngân hàng Thế giới vào năm 1999 và Swamy et al. (2001) nghiên cứu mối tương quan trên một cách triệt để hơn. Nghiên cứu đầu tiên bao gồm kiểm soát quyền tự do dân sự, thu nhập và giáo dục. Nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ tham nhũng thấp hơn thật sự gắn liền với tỷ lệ phụ nữ trong các nghị viện cao hơn. Swamy et al. (2001) cũng đi đến kết luận tương tự, đồng thời cũng cho thấy rằng mức độ tham nhũng thấp đi kèm với việc nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí cao cấp trong quản lý nhà nước. Khuyến cáo chính sách của Ngân hàng Thế giới năm 2001 đã khẳng định rằng việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực công sẽ góp phần giảm tham nhũng.

Sự bình đẳng giới và tham nhũng thấp hơn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như luật pháp, tự do báo chí, và mức độ dân chủ… Trong những nghiên cứu gần đây về việc xem xét mức độ tham gia của phụ nữ trong chính phủ và sự thay đổi trong việc tham gia của phụ nữ tác động đến tham nhũng, kết quả cho thấy không thể tìm thấy bất kỳ tác động nào của sự gia tăng sự tham gia của phụ nữ ảnh hưởng đến các mức độ tham nhũng.

Tuy nhiên, dữ liệu và phương pháp được sử dụng trong các nghiên cứu này không cho phép kết luận chắc chắn về mối quan hệ nhân quả giữa giới và tham nhũng. Bất bình đẳng về giới tính giảm - hoặc nhiều phụ nữ hơn ở các vị trí quyền lực - dẫn đến tham nhũng ít hơn bởi vì phụ nữ trung thực hơn nam giới? Hoặc tham nhũng ít hơn sẽ cải thiện bình đẳng giới, bởi vì mức độ tham nhũng thấp hơn có thể đồng nghĩa với việc tiếp cận tốt hơn với các biện pháp pháp lý chống lại sự phân biệt đối xử và do đó tạo thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các vị trí có thẩm quyền? Vậy liệu phụ nữ thực sự có tham nhũng ít hơn nam giới hay không? Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần phải hiểu những khác biệt giới tính trong hành vi tham nhũng và thái độ đối với tham nhũng.

Khác biệt về giới trong hành vi tham nhũng

Trước khi nhìn vào những khác biệt cụ thể trong hành vi tham nhũng giữa phụ nữ và nam giới, cần phải xem xét các bằng chứng hiện có về sự khác biệt về giới nói chung. Nghiên cứu thực nghiệm được xem xét tại Croson và Gneezy đã đưa ra một số phát hiện khá mạnh mẽ trong các bối cảnh: So với nam giới, phụ nữ có nhiều rủi ro hơn (trừ các nhà quản lý nữ), nhạy cảm hơn với các tín hiệu xã hội, ít cạnh tranh, có khuynh hướng hợp tác, nhưng nhìn chung họ cũng ít tin tưởng hơn và thể hiện các tiêu chuẩn đạo đức linh hoạt hơn. Đối với các vấn đề còn gây tranh cãi rằng sự khác biệt đối với tham nhũng là do yếu tố tự nhiên hay do tác động của môi trường, nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho cả hai giải thích: Một số khác biệt là bẩm sinh còn những trường hợp khác là kết quả của môi trường. Trong nghiên cứu hiện có, câu hỏi liệu có sự khác biệt giới tính liên quan đến tham nhũng được giải quyết thành ba vấn đề cụ thể:

- Sự khác biệt về giới trong thái độ đối với tham nhũng

- Sự khác biệt về giới trong nhận hối lộ

- Sự khác biệt về giới trong việc đưa hối lộ

Liên quan đến thái độ đối với tham nhũng, phản hồi của nhiều cuộc khảo sát trên thế giới cho thấy phụ nữ có khuynh hướng tham nhũng thấp hơn. Điển hình là cuộc khảo sát Swamy et al với dữ liệu được thu thập từ các doanh nghiệp ở Georgia. Kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy công ty do phụ nữ quản lý ít xảy ra tình trạng nảy sinh những khoản chi trả không chính thức hơn những công ty khác. Liệu các công chức chính phủ ở Georgia không muốn yêu cầu sự hối lộ từ phụ nữ trong khu vực tư nhân là bởi họ cho rằng phụ nữ sẽ lên án tham nhũng hay ít có khả năng chi trả? Kết quả của cuộc khảo sát trên không đưa ra đáp án cho câu hỏi này, tuy nhiên, những dữ liệu từ Cuộc Điều tra Giá trị Thế giới này cho thấy phụ nữ ít chịu tác động bởi các hành vi tham nhũng hơn nam giới.

Vào năm 2013, các cuộc khảo sát Esarey và Chirillo đã sử dụng dữ liệu từ Cuộc Điều tra Giá trị Thế giới trên, kết quả cho thấy bổi cảnh diễn ra cuộc khảo sát là vấn đề cốt yếu mang đến kết luận về sự ít chịu ảnh hưởng trước tham nhũng của phụ nữ. Theo những cuộc khảo sát này, trong chế độ chuyên quyền và nơi tham nhũng đã trở thành vấn đề cố hữu, phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi tham nhũng nhiều như nam giới. Trong nền dân chủ, nơi tham nhũng có xu hướng bị kỳ thị ở mức độ cao hơn, phụ nữ không chấp nhận tham nhũng nhiều hơn nam giới và ít có khả năng tham gia vào các hành vi tham nhũng.

Tác giả nghiên cứu Justin Esarey, Phó Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học William Marsh Rice ở Houston, thuộc bang Texas, cho biết: “Mối quan hệ giữa giới tính và tham nhũng dường như phụ thuộc vào bối cảnh. Khi tham nhũng bị bêu xấu, như ở hầu hết các nền dân chủ, phụ nữ ít dính líu hơn so với đàn ông. Tuy nhiên, tại những nước tham nhũng đã thành "bệnh", sẽ không có cách biệt giới tính trong vấn đề tham nhũng”.

Nghiên cứu mang tên Alatas et al. đã thực hiện một cuộc điều tra xuyên quốc gia ở Úc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore. Nghiên cứu cho thấy ở Úc phụ nữ nhận hối lộ ít hơn đáng kể so với nam giới, trong khi ở Singapore ngược lại. Tại Ấn Độ và Indonesia, không có sự khác biệt nào được phát hiện. Điều này phù hợp với những phát hiện của cuộc khảo sát Esarey và Chirillo (2013). Tuy nhiên, trong một cuộc thử nghiệm ở Burkina Faso, nơi mà các đối tượng không biết họ tham gia vào một cuộc thử nghiệm, nghiên cứu Armantier và Boly nhận thấy rằng phụ nữ thực sự dễ chấp nhận hối lộ, nhưng chỉ khi họ không sợ bị phát hiện.

Khi trả tiền hối lộ, người hối lộ đang mong đợi một tương trợ tương ứng trở lại. Vì các giao dịch tham nhũng không có hiệu lực pháp luật và trở thành một mối đe dọa cố hữu đối với các giao dịch tham nhũng. Thật vậy, nhiều giao dịch tham nhũng không thành công do xung đột giữa các bên. Điều này dẫn đến câu hỏi, ai là đối tác tham nhũng đáng tin cậy hơn, nam giới hay nữ giới? Nghiên cứu Lambsdorff và Frank (2011) nhận thấy rằng các nữ công chức phụ nữ ít có xu hướng đối ứng lại hơn và do đó họ trở thành những đối tác tham nhũng ít đáng tin cậy hơn. Theo kết quả của những nghiên cứu này, đối với những khác biệt về giới trong việc đưa hối lộ, nam giới có nhiều khả năng đưa hối lộ và giá trị của họ có xu hướng cao hơn. Kết quả này cũng có thể phản ánh tầm quan trọng của bối cảnh văn hoá và vai trò mà phụ nữ mong muốn đóng góp trong xã hội.

Tác động đối với chính sách

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và ĐH Maryland (bang Maryland, Mỹ), phụ nữ tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị thì mức độ tham nhũng giảm nhiều hơn. Nhưng mối quan hệ nhân quả giữa các lĩnh vực phụ nữ tham gia công tác và tình trạng tham nhũng ở những lĩnh vực đó vẫn chưa được làm rõ. Trong một nghiên cứu có tên Goetz lập luận rằng tham nhũng không chịu ảnh hưởng bởi giới tính. Phụ nữ có thể chỉ đơn giản là thiếu cơ hội để tham gia vào tham nhũng do bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận các vị trí cao cấp trong khu vực tư nhân và khu vực công. Thậm chí, nếu chúng ta quan sát được sự sụt giảm tham nhũng sau khi tăng tỷ lệ phụ nữ nắm giữ quyền lực, ảnh hưởng này chủ yếu là do việc đưa người mới vào công tác quản lý - làm suy yếu lòng tin yêu cầu đối với các giao dịch tham nhũng. Do đó, có thể chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi tham nhũng tăng trở lại khi phụ nữ trở thành người trong cuộc.

Hiện nay, những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến phụ nữ không phải là hiếm trên thế giới, không còn là “đặc quyền” của đàn ông. Chính trường Nhật Bản từng bị rung chấn bởi sự từ chức cùng lúc của hai nữ Bộ trưởng, chỉ sau hơn một tháng nhậm chức. Đó là Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Obuchi và Bộ trưởng Tư pháp Matsushima. Hai nữ Bộ trưởng này bị cáo buộc sử dụng quỹ chính trị sai mục đích. Còn tại Indonesia, nữ nghị sĩ Quốc hội, cựu Hoa hậu Indonesia Angelina Sondakh bị điều tra, truy tố và bị tuyên phạt gần 5 năm tù giam vì tội nhận hối lộ. 

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng, phụ nữ ít có cơ hội tham nhũng hơn so với đàn ông và nếu phụ nữ là người điều hành tại đơn vị nào thì ở đó ít xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, mối liên quan giữa tham nhũng và giới tính là phạm trù cực kỳ phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cũng như thể chế chính trị. Tham nhũng luôn để lại những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, thể chế chính trị. Do đó, những giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tham nhũng phải được triển khai ở mọi lĩnh vực. Chống tham nhũng không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của riêng nam giới, sự tham gia tích cực của phụ nữ cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc chiến cam go này.

Dương Nguyễn

Tài liệu tham khảo:

Theo https://www.cmi.no/publications/5851-are-men-and-women-equally-corrupt

http://anticorrp.eu/news/gender-and-corruption/ 

http://www.bbc.com/news/world-latin-america-38077422

http://thanhnien.vn/doi-song/khoa-hoc/phu-nu-it-tham-nhung-hon-dan-ong-14811.html

http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/ho-so-tu-lieu/vai-tro-cua-phu-nu-trong-chong-tham-nhung_t238c1077n87795

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra