Đã đến lúc phải thương lượng giải quyết khủng hoảng Thái Lan
Thứ ba, 18/02/2014 06:13 (GMT+7)
Sáng 17/2, lãnh đạo biểu tình Suthep tiếp tục dẫn đầu đoàn biểu tình bao vây khu vực Phủ Thủ tướng.
Động thái này của ông Suthep nhằm ngăn cản không cho Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra vào trụ sở làm việc. Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm bảo vệ trị an Thái Lan cho biết trong tuần này cũng sẽ huy động hàng nghìn cảnh sát nhằm thu hồi 5 địa điểm biểu tình để công chức có thể vào trụ sở làm việc bình thường và khôi phục an ninh trật tự ở Thủ đô Bangkok.
Tuy nhiên, các động thái nêu trên của phe đối lập và phe Chính phủ chủ yếu mang tính biểu tượng, không hứa hẹn đạt được kết quả thực chất. Cuộc biểu tình của ông Suthep, sau hơn 3 tháng đã không còn đông đảo người tham gia như lúc ban đầu. Theo đánh giá của Trung tâm bảo vệ trị an, số lượng người biểu tình chống Chính phủ ở Bangkok hiện nay chỉ vào khoảng 4.000 người hàng ngày. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng cuộc biểu tình này sẽ rất khó đạt được mục tiêu là "lật đổ chế độ Thaksin" và thành lập "Chính phủ nhân dân" không qua bầu cử.
|
Ông Suthep, nhà lãnh đạo biểu tình (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, Chính phủ tạm quyền tuy vẫn duy trì được vị thế hợp pháp; song với quyền lực hạn chế do luật định, Chính phủ tạm quyền đã không thể chấm dứt được cuộc biểu tình để tạo thuận lợi cho cuộc bầu cử Hạ viện đang còn dang dở. Chính phủ cũng không giải quyết được các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc; trong đó có việc tìm nguồn tài chính trả nợ tiền thu mua thóc gạo của nông dân.
Tình trạng đấu tranh "giằng co" giữa phe Chính phủ và phe đối lập hiện nay cho thấy, không bên nào chiếm được lợi thế để buộc đối phương phải đáp ứng yêu sách của mình. Song điều đáng lo ngại là, tình trạng này càng kéo dài, càng khiến cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Thái Lan xấu đi nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, uy tín của Thái Lan cũng như hoạt động làm ăn kinh doanh và sinh hoạt của người dân nước này. Ngoài ra, mâu thuẫn căng thẳng và chia rẽ xã hội gia tăng có nguy cơ làm bùng phát bạo lực, mở đường cho một cuộc đảo chính quân sự tương tự như năm 2006.
Do đó, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đang lên tiếng đòi hỏi cả phe Chính phủ và phe đối lập phải chấp nhận thỏa hiệp để hai bên "cùng thắng", vì lợi ích chung của đất nước. Nhiều chuyên gia chính trị và kinh tế của Thái Lan cho rằng, đã đến thời điểm hai bên ngồi vào bàn thương lượng, lựa chọn giải pháp phù hợp để đưa Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Một trong giải pháp được đa số dư luận mong mỏi là, Thái Lan cần có một Quốc hội và Chính phủ dân chủ thông qua bầu cử công bằng, để điều hành đất nước tiếp tục phát triển; góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập Cộng đồng ASEAN./.
Theo Tống Sơn
VOV-Bangkok