FAO kêu gọi châu Phi thúc đẩy mô hình hợp tác công tư trong nông nghiệp

Thứ tư, 09/05/2018 08:00
(ThanhtraVietnam) - Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã kêu gọi Chính phủ các nước châu Phi giảm nhập khẩu lương thực bằng cách thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực sản xuất lương thực.

Trong một cuộc họp đối tác công - tư về nông nghiệp châu Phi tổ chức tại thủ đô Nairobi - Kenya (Kê-ni-a), ông Tito Arunga - người đứng đầu FAO tại Kenya - khẳng định, châu Phi có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, thậm chí có thể dư thừa và xuất khẩu khi những tiến bộ của khoa học công nghệ được áp dụng.    

Bên cạnh đó, ông Arunga cũng cho biết, số lượng dân số trẻ của châu Phi ngày càng tăng sẽ là cơ hội để áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp nông nghiệp có thể đáp ứng được với biến đổi khí hậu, thay thế những biện pháp canh tác lạc hậu trước đây.   

leftcenterrightdel
 

Người đứng đầu FAO Kenya cũng kêu gọi Chính phủ cần giảm thiểu nguy cơ đe dọa an ninh lương thực thông qua giải quyết triệt để vấn nạn di dân nội bộ và xuyên biên giới. Hiện khoảng 60% dân số châu Phi thường xuyên di cư để tìm kiếm các nguồn sống thay thế mà không chú ý đến cải thiện khả năng trồng trọt, canh tác.   

Bà Janet Edeme - người đứng đầu bộ phận Kinh tế nông thôn thuộc Uỷ ban Liên minh châu Phi (AUC) - cho biết, Uỷ ban đã bắt đầu tổ chức một loạt các cuộc họp giữa các bên liên quan để tìm ra cách thức liên kết tốt hơn với khu vực tư nhân trong thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp toàn diện tại châu Phi (CAADP). Hiện đa số các nước thành viên AU không thể thực hiện Kế hoạch Đầu tư nông nghiệp quốc gia (NAIP) vì thiếu vốn đầu tư cũng như công nghệ cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, vốn của khu vực tư nhân là nguồn lực quan trọng để bổ sung cho các nỗ lực của nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp.   

Quan hệ đối tác công tư cho các sáng kiến phát triển kinh doanh nông nghiệp sẽ giúp các nước châu Phi chuyển đổi ngành kinh tế quan trọng này theo định hướng thị trường và hiện đại hoá.   

Nước láng giềng của Kenya là Zambia (Dăm-bi-a) đã có đủ lương thực cho tiêu dùng nội địa sau khi tăng cường các dự án công - tư với việc áp dụng biện pháp thúc đẩy sản lượng tăng cao cũng như giảm thất thoát sau thu hoạch, trong khi các nước châu Phi khác vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu từ ngoài châu lục./.

Dương Thái

(Theo BBC News)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra