Khi hoàng gia "gặp hạn": Cung điện xuống cấp

Chủ nhật, 30/03/2014 00:27
 “Thắt chặt hầu bao nhưng cần giữ được thể diện” là thông điệp mà các thành viên quốc hội Anh gửi đến Nữ hoàng Elizabeth và gia đình của bà


Ngoài việc chỉ trích Hoàng gia Anh chi tiêu quá mức, Ủy ban Kiểm toán công (PAC) của quốc hội còn bày tỏ lo ngại trước tình trạng xuống cấp của các cung điện, nhất là Điện Buckingham.

Tranh cãi quyết liệt

Theo báo cáo, Điện Buckingham đã hơn 300 tuổi nhưng hầu như không được bảo trì, nâng cấp gì trong thời gian qua. Hậu quả là hệ thống sưởi ấm đã 60 năm và hệ thống dây điện dùng ở cung điện này kể từ năm 1949 vẫn chưa được thay. Đây là một phần nguyên nhân khiến Hoàng gia Anh tốn hơn 1,1 triệu USD tiền điện trong năm ngoái. Có thể thấy rõ tình trạng xuống cấp của Điện Buckingham và lâu đài Windsor khi các nhân viên ở đây không ít lần phải sử dụng xô chậu hứng nước từ trần nhà bị dột trong những trận bão lớn để bảo vệ các món đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.

Bà Margaret Hodge, Chủ tịch PAC, nhận định: “Hồi tháng 3-2012, khoảng 39% tòa nhà và đất đai hoàng gia bị xem là đang trong tình trạng hư hỏng và hoang phế. Giờ đây, tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn. Một số lâu đài thậm chí là đang trong tình trạng nguy hiểm hoặc xuống cấp nghiêm trọng”. Người ta ước tính chi phí để sửa chữa trọn vẹn Điện Buckingham lên đến 83 triệu USD. Riêng việc thay hệ thống sưởi ấm tốn từ 0,83-1,67 triệu USD.

Điện Buckingham đang “xuống cấp”, theo báo cáo của quốc hội Anh Ảnh: AP


Báo cáo của PAC còn phàn nàn về sự chậm trễ trong việc sửa chữa khu lăng mộ hoàng gia gần lâu đài Windsor ở phía Tây London, nơi đặt mộ của Nữ hoàng Vicoria và chồng, Hoàng tử Albert, dù đây được xem là ưu tiên vào năm 2009.  Đó là lý do bà Hodge kêu gọi: “Hoàng gia cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo trì để giúp đưa các cung điện trở về tình trạng có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thực hiện vai trò giám sát trong vấn đề này”. Báo cáo nhận định hoàng gia chỉ mới tiết kiệm được 5% chi tiêu trong 6 năm trở lại đây - quá thấp nếu so tỉ lệ bình quân 30% của các cơ quan chính phủ - đồng thời hối thúc họ “làm nhiều và ít chi tiêu hơn”.

Báo cáo trên đã dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt giữa một số nghị sĩ và ông Alan Reid, người phụ trách ngân sách của Hoàng gia Anh. Nghị sĩ Austin Mitchell, thuộc Công Đảng đối lập, chất vấn: “Làm thế nào mà gia đình hoàng gia lại phải sống trong những nơi đang xuống cấp như thế”. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Richard Bacon cho biết thêm: “Đã có lần tôi nghe người ta nói rằng đá rơi xuống từ cổng của Điện Buckingham, may là không trúng ai”. Đáp lại, ông Reid trấn an rằng “các tòa nhà vẫn chưa bị sụp đổ”.

Không công bằng?

Bà Hodge cũng dành những lời lẽ chỉ trích ông Reid khi nói thêm rằng có nhiều người trên thế giới được trả lương bằng quỹ công thường phải làm việc nhiều hơn so với những gì mà họ được nhận. Nhìn chung, trong giới hoàng gia ít có ai làm được điều đó và thực tế là họ đã chi tiêu quá tay. “Tôi không thể hiểu tại sao hoàng gia không cắt giảm chi tiêu để sống trong mức hợp lý có thể” - bà Hodg đặt vấn đề.

Sự chỉ trích không chỉ đến từ quốc hội Anh. Ông Graham Smith, Giám đốc điều hành nhóm Republic chống hoàng gia, bức xúc: “Khi Thái tử Charles chi hàng chục ngàn USD tiền công cho những kỳ nghỉ cá nhân mà không bị các chính trị gia chúng ta “góp ý” thì rõ ràng là có điều gì đó không ổn. Điều quan trọng là những cuộc kiểm tra như thế này nên gạt sang một bên sự tôn kính dành cho hoàng gia để có cái nhìn nghiêm túc về việc họ đang lãng phí tiền đóng thuế của người dân ra sao”.

Republic ước tính chi tiêu của Hoàng gia Anh là hơn 330 triệu USD/năm và đang kêu gọi việc tăng cường kiểm tra khoản tiền này. Thậm chí, nhóm Republic còn viết thư cho bà Hodge, kêu gọi điều tra “hành vi trốn thuế” của Thái tử Charles. Ông Smith cho biết: “Vấn đề thuế cũng phải được điều tra kỹ lưỡng. Không thể chấp nhận việc nữ hoàng và Thái tử Charles không phải đóng thuế như mọi người dân”.

Mặt khác, vẫn có những tiếng nói ủng hộ hoàng gia. Ông George Osborne, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, cho rằng hoàng gia đã bị chỉ trích không công bằng bởi chính họ đang giúp mang lại tiền bạc và danh tiếng cho nước Anh.  Quan chức này nhận định: “Chủ tịch PAC (bà Hodge) đã không công bằng khi chỉ trích chuyện quản lý tiền bạc của hoàng gia. Họ đã sống với một ngân sách không thay đổi trong những năm trở lại đây. Sự thật là khoản cấp dưỡng mà gia đình Hoàng gia Anh nhận được từ tiền đóng thuế của người dân đã giảm mạnh trong vài thập kỷ qua. Tôi nghĩ rằng hoàng gia đã làm rất tốt công việc của mình. Hoàng gia không chỉ là một thành phần quan trọng của hiến pháp chúng ta mà còn có sức hút rất lớn đối với du khách khắp thế giới. Họ đã mang về một nguồn thu khổng lồ bởi uy tín của mình đối với thế giới”.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính Anh và PAC bất đồng quan điểm. Bộ này từng cáo buộc PAC cản trở đầu tư nước ngoài bằng những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào “hành vi trốn thuế” của các tập đoàn nước ngoài lớn.  Riêng bà Hodge từng thu hút dư luận hồi năm ngoái khi mô tả hồ sơ thuế của Công ty Google ở nước này là “tội lỗi”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh đã gọi cáo buộc này là “hoàn toàn sai trái”.

Theo Người Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra