Khủng hoảng nợ công châu Âu: Chỉ có những giải pháp tối thiểu

Thứ năm, 11/08/2011 15:39
Cuộc khủng hoảng nợ công khởi phát ở Hy Lạp, nay lan rộng sang các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Pháp đang là quốc gia có nhiều nguy cơ nối gót Mỹ bị mất hạng tín dụng AAA. Cộng hòa Sip cũng đã bị đẩy tới bờ vực để nhận gói cứu trợ.

Trong lúc đó chính phủ Ý và Tây Ban Nha đang loay hoay với các kế hoạch giải cứu, thắt lưng buộc bụng. Những khó khăn tài chính ở hai nước này thậm chí có thể lan tới quốc gia hàng đầu EU như Đức với tổng nợ công 2.000 tỉ euro.

 Khủng hoảng nợ công khởi phát ở Hy Lạp, nay lan rộng sang các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu

Pháp, Sip, và nước nào nữa?

Tỷ lệ nợ công/GDP của Pháp chỉ là 84,7%, thấp hơn so với 120,3% của Ý. Tuy vậy nợ công/GDP của Pháp đã tăng gấp đôi từ 2007, tương tự Ý. Đến cuối năm 2010, tổng nợ công của Pháp là 1.590 tỉ EUR, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp cũng cao hơn Ý từ 2006. Trong số các quốc gia xếp hạng tín dụng AAA, Pháp có chi phí bảo lãnh đi vay cao nhất thế giới. Các nhà phân tích cho biết, không chỉ Pháp mà cả Bỉ, Anh, cũng có thể bị hạ bậc tín dụng trong thời gian tới vì vấn đề nợ xấu.

Tình hình tài chính của đảo Síp khá bấp bênh, do hệ lụy từ việc thiếu điện và bế tắc chính trị. Ngân hàng thương mại Cyprus vừa cảnh báo ngay trong tuần này, Síp cần mọi gói bảo lãnh "tức thời". Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s nhận định, các ngân hàng tại Síp đang cần bơm vốn trị giá 16% GDP của đảo quốc. Cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết lớn nhất đã mất một nửa giá trị trong năm nay. Chính phủ không còn khả năng hỗ trợ các ngân hàng sau một vụ nổ ngày 11.7 phá hủy nhà máy điện Vasilikos, khiến Síp phải cắt điện thường xuyên. Tổng thống Demetris Christofias đã sa thải nội các ngày 28.7. Thâm hụt ngân sách của Síp năm nay được dự báo lên đến 7% GDP. Nước này đang gặp khó khăn với khoản nợ đáo hạn 1,1 tỉ EUR vào tháng 1, 2.2012. Việc tái cấp vốn là không khả thi. Không loại trừ khả năng nợ công của Síp lên tới 80% GDP vào cuối năm 2011, và còn tiếp tục tăng.

“Cái phao” của Síp hiện chỉ còn trông chờ vào việc các doanh nghiệp Nga, tốn một vài tỉ euro để đổi lấy sự ổn định tại đảo quốc mà họ xem là sân sau.

Hiện Ý đang đối mặt với khoản nợ 1.800 tỉ euro, nhiều hơn cả Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại.

Chỉ có những giải pháp tối thiểu

"Những gì mà thị trường đòi hỏi là sự bảo đảm hoặc từ châu Âu, G7 hay G20 rằng sẽ có một chủ nợ có thể cho vay đối với Ý và Tây Ban Nha", ông Takuji Okubo, nhà kinh tế Nhật, nói. Ngân hàng trung ương châu Âu ECB lên kế hoạch mua trái phiếu Ý và Tây Ban Nha để ngăn ngừa khủng hoảng nợ công đang lan rộng. Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) ước tính, kế hoạch này tốn khoảng 850 tỉ euro. Tuy nhiên, động thái này được cảnh báo tạo ra một công cụ nợ chung, dẫn đến tình trạng mất chủ quyền tài chính trong khu vực Eurozone.

Trước đó, ECB đã chi 77 tỉ euro mua trái phiếu Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Chủ tịch ủy ban châu Âu, Jose Barroso kêu gọi thành lập quỹ cứu trợ đồng euro có giá trị lên tới khoảng 440 tỷ euro. Khoản này đủ lớn để giải cứu Tây Ban Nha, nhưng không thể gánh thêm Ý. Tuy nhiên, lãnh đạo Đức - nền kinh tế hàng đầu của Eurozone - đã bác bỏ lời kêu gọi này. Đức phản đối một mô hình tài chính liên bang theo kiểu Mỹ vì nó không khuyến khích các nước thành viên thi hành chặt chẽ các biện pháp về ngân sách.

Nhà đầu tư Jim Rogers dự đoán, các quốc gia châu Âu sẽ bắt đầu một đợt nới lỏng định lượng mới để thúc đẩy các nền kinh tế đang hấp hối. Nới lỏng định lượng là một công cụ của chính sách tiền tệ được ngân hàng trung ương sử dụng khi không cắt giảm lãi suất thêm được nữa.

Ông Barroso bi quan rằng, EU không còn đủ sức khống chế khủng hoảng nợ công chỉ dừng lại trong phạm vi khu vực đồng euro. Một nhà phân tích nhận xét: cơ chế lãnh đạo của khối Eurozone dường như chỉ đạt được những giải pháp tối thiểu để tránh vỡ nợ ngay, chứ chưa có một kế hoạch giải cứu dài hạn.

Việc các sàn chứng khoán thế giới giảm điểm xuất phát từ nỗi lo ngại: kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái kép từ cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ và châu Âu.

Theo Bá Nha
Sài Gòn tiếp thị

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra