Tham nhũng là quốc nạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bởi vậy đấu tranh chống tham nhũng được xem là một cuộc chiến không khoan nhượng. Chính vì vậy, mọi quốc gia đều coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nhiều cách thức nhằm đem lại hiệu quả cho cuộc chiến chống tham nhũng đã được nhiều quốc gia thực hiện. Họ thành lập những cơ quan chống tham nhũng, ban hành các quy tắc ứng xử cho các quan chức chính phủ... Tuy nhiên, mặc cho những cố gắng và nỗ lực đó, tham nhũng vẫn hoành hành như một một căn bệnh ung thư trong xã hội. Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới 2016, Singapore đứng ở vị trí thứ 7 và là quốc gia Châu Á duy nhất có vị trí cao nhất tại bảng xếp hạng. Vậy điều gì đã giúp Singapore đạt được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go này?
Trong một bài viết tại tuyển tập được biên soạn cho Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng tổ chức ở London, Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) đã đưa ra nhận định về bốn yếu tố then chốt góp phần mang lại thành công cho Singapore trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng:
Thứ nhất, Singapore được kế thừa một hệ thống làm việc thông suốt từ chính phủ thực dân Anh. Nhiều lý do cấp bách đã thôi thúc Singapore chấm dứt chế độ cai trị thuộc địa và tự làm chủ vận mệnh của chính mình. Sau khi rời Singapore, người Anh đã để lại một hệ thống làm việc, bộ máy luật pháp hợp lý, dịch vụ công đang vận hành thông suốt và cơ quan tư pháp làm việc trung thực, hiệu quả. Quan trọng hơn, các công chức làm việc trong hệ thống dịch vụ công của chính quyền thuộc địa đã luôn duy trì các tiêu chuẩn cao. Những người như ngài William Allmond Codrington Goode, vị toàn quyền cuối cùng và cũng người đứng đầu Nhà nước đầu tiên, luôn nhận thức rõ về bổn phận và trách nhiệm trong việc quản lý. Goode từng là thống đốc của North Borneo, nay là bang Sabah ở Malaysia. Ông đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong thời gian đương chức tại North Borneo, cũng như ở Singapore. Ngay cả đến các thế hệ sau này, người dân Sabah vẫn luôn tưởng nhớ đến ông một cách đầy trân trọng.
Thứ hai, khi người Anh rời đi, các nhà lãnh đạo tiên phong của Singapore đã quyết tâm giữ gìn hệ thống làm việc trong sạch này. Sau khi Singapore đạt được chính quyền tự trị, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 1959. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đảng Hành động Nhân dân không phải đưa ra bất kỳ những cải cách, sửa đổi nào để giành chiến thắng trong Cuộc Tổng tuyển cử năm 1959.
Khi đó, Singapore đã phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn như: nghèo đói, nền y tế công cộng còn nghèo nàn, tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng, nền kinh tế trì trệ và dân số bùng nổ. Vậy liệu PAP có muốn kế thừa những vấn đề trầm trọng này?
Và quyết định cuối cùng của ông Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu), Thủ tướng sáng lập của Singapore và nhóm của ông, là ngăn chặn và phá bỏ các dịch vụ công đang trở nên thoái hóa biến chất. Họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển. Với lập trường mạnh mẽ như vậy, PAP đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Lee cùng các đồng nghiệp của mình đã mặc áo sơ mi trắng và quần trắng. Điều này tượng trưng cho quyết tâm của chính quyền mới trong việc giúp cho Chính phủ trong sạch, liên chính và không tham nhũng. Đây cũng chính là mục tiêu tiên quyết mà Singapore đặt ra ngay từ khi mới thành lập.
Thứ ba, với ý chí chính trị mạnh mẽ, Singapore đã thể chế hoá một khuôn khổ chống tham nhũng toàn diện và mạnh mẽ bao gồm các luật, thực thi, dịch vụ công và tiếp cận công cộng. Singapore đã ban hành Đạo luật Ngăn chặn Tham nhũng (PCA), trong đó đặt nghĩa vụ chứng minh cho các bị cáo thấy rằng họ đã sở hữu tài sản một cách hợp pháp. Bất kỳ một sự giàu có nào không được giải trình hợp lý với các nguồn thu nhập được kê khai sẽ bị điều tra và có thể bị tịch thu.
Điều đặc biệt của PCA đó là cung cấp thẩm quyền ngoài lãnh thổ đối với các hành vi tham nhũng của công dân Singapore ở nước ngoài. Theo đó những hành vi tham nhũng của công dân Singapore dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia thì đều được xử lý giống như hành vi của công dân trong nước, dù hành vi tham nhũng ấy có gây ra hậu quả đối với Singapore hay không (Cục điều tra tham nhũng 2016a).
Cơ quan chống tham nhũng của Singapore, cụ thể là Cục điều tra tham nhũng (CPIB), hoạt động một cách độc lập và có nguồn lực tốt. Cơ quan này có quyền điều tra bất kỳ người nào, thậm chí cả cảnh sát và bộ trưởng, đồng thời có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực xã hội (CPIB 2016b). Bên cạnh đó, Singapore cũng chú trọng xây dựng hệ thống lương của công chức trong khu vực công sát với khu vực tư nhân, bảo đảm không có độ chênh lệch quá lớn giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân và ngược lại, những công chức thuộc CPIB được yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm khiết và hiệu quả công việc. Singapore coi việc bộ máy nhà nước hoạt động lành mạnh, sử dụng công quỹ đúng đắn, tăng thêm của cải xã hội, tăng sản lượng quốc gia, tăng mức sống của người dân và tăng lương cho công chức là biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng.
Thứ tư, Singapore đã luôn nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển một xã hội với nền văn hóa nói không với tham nhũng. Singapore đặt kỳ vọng và yêu cầu về một hệ thống hành chính trong sạch. Họ không tha thứ, không chấp nhận hiện tượng "bôi trơn xã hội" để đạt được mục đích trong công việc. Khi đối mặt với những hành vi tham nhũng, người dân Singapore luôn sẵn sàng đứng ra tố cáo. Họ tin tưởng rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị trừng phạt nghiêm minh. Chính phủ không chấp nhận sự che đậy, dù quan chức vi phạm có chức vụ lớn đến đâu đi nữa.
Đồng thời, các doanh nghiệp tại Singapore luôn đặt niềm tin vào các quy tắc về tính minh bạch và công bằng trong hoạt động. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa ra một câu chuyện về một doanh nhân từ một nước châu Á sang Singapore làm ăn. Ông ta bối rối không biết tỉ lệ chiết khấu hối lộ cho quan chức ở các cấp độ khác nhau của chính phủ là bao nhiêu và ông ta đã đi đến một kết luận sai lầm rằng chắc hẳn khoản chi sẽ ở mức rất cao.
Mặc dù đã đạt được một số thành công trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, song Singapore không bị ảo tưởng rằng họ đã giải quyết vĩnh viễn và hoàn toàn vấn đề, bởi tham nhũng thực chất sinh ra do bản chất của lòng tham con người. Dù hệ thống có nghiêm ngặt và chặt chẽ đến đâu thì đôi khi một số cá nhân vẫn có thể vi phạm vì cám dỗ. Và trong trường hợp này, Singapore luôn chắc chắn rằng những kẻ tham nhũng sẽ bị bắt và xử lý nghiêm minh.
Việc giữ cho hệ thống trong sạch không chỉ giúp cho nền kinh tế - xã hội của Singapore phát triển bền vững mà còn duy trì và bảo vệ uy tín trên quốc tế của quốc gia này. Do đó, Singapore luôn xử lý nghiêm những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng các tổ chức tài chính tại Singapore để rửa tiền hoặc giao dịch các nguồn lợi bất chính có được từ tham nhũng. Với tư cách là một trung tâm tài chính, trung tâm kinh doanh, Singapore luôn nhiệt huyết và tận tâm trong việc bảo vệ tính liêm chính và công bằng trong mọi hoạt động.
Tục ngữ có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, giữ một hệ thống liêm khiết, trong sạch phải bắt đầu ngay từ những người đứng đầu. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng khẳng định, một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Chính vì vậy, Luật pháp Singapore đã quy định rõ, trong trường hợp Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB có thể xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra, vì vậy có thể xóa bỏ mọi cản trở và điều này được quy định trong Hiến pháp. CPIB không hề bị can thiệp trong quá trình điều tra những vụ án tham nhũng.
Một sĩ quan quân đội Singapore khi tham gia một khóa đào tạo ở nước ngoài đã từng được bạn học đặt câu hỏi, Singapore làm thế nào để giữ bộ máy nhà nước trong sạch. Sau khi nghe vị sĩ quan này giải thích về hệ thống của Singapore và về vai trò trung tâm của CPIB, người bạn truy vấn tiếp, vậy CPIB sẽ báo cáo ai? Vị sĩ quan trả lời một cách thành thật rằng CPIB báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng. Câu trả lời này khiến anh ta bối rối trước câu hỏi mà người bạn đặt ra. Và phải mất một lúc lâu sau, vị sĩ quan Singapore này mới hiểu bản chất thực sự của câu hỏi, đó là ai sẽ giám sát những người giám sát?
Trên thực tế, không có một công thức cụ thể nào có thể trả lời cho câu hỏi muôn thuở này, tuy nhiên Singapore luôn thể hiện sự quyết tâm trong việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm chính ngay từ lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Singapore đề cao yếu tố minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan hành chính, đây là tiêu chí cơ bản, được coi như: “Công cụ tẩy rửa tốt nhất và là người cảnh sát hữu hiệu nhất”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ, phải mất một thời gian rất lâu để có thể xây dựng được lòng tin trong dân chúng, nhưng một khi đã để mất đi thì khó có thể lấy lại được. Trải qua hơn 50 năm xây dựng lòng tin trên đất nước Singapore. Sự liêm chính của Chính phủ, của hệ thống và của chính những con người làm việc trong bộ máy nhà nước chính là chìa khóa cho sự thành công của Singapore. Singapore luôn xác định rằng, sự liêm chính, uy tín và danh dự không bao giờ được để suy yếu, về lâu dài đây vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào của đất nước Singapore.
Giáo sư John S.T. Quah, chuyên gia về tham nhũng và quản trị công hàng đầu thế giới đã nhận định, tham nhũng ở Singapore là một thực tế cuộc sống chứ không phải là một cách sống. Nói cách khác, tham nhũng tồn tại ở Singapore nhưng Singapore không phải là một xã hội tham nhũng. Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng đã đến lúc các nước châu Á đang phát triển cần học tập mô hình phòng, chống tham nhũng từ Singapore.
Dương Nguyễn
Tài liệu tham khảo:
Theo http://www.straitstimes.com/opinion/fight-against-corruption-singapores-experience
https://www.gov.uk/government/publications/against-corruption-a-collection-of-essays/against-corruption-a-collection-of-essays
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20121209/chau-a-can-hoc-mo-hinh-chong-tham-nhung-singapore/524128.html
http://thanhtra.edu.vn/category/detail/608-kinh-nghiem-phong,-chong-tham-nhung-o-singapore.html
https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2014/07/CPI2016_WorldMapAndCountryResults_web.pdf
https://singaporelegaladvice.com/law-articles/all-you-need-to-know-about-corruption-in-singapore/