Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 31/10/2018 21:57
(ThanhtraVietNam) - Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển, tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

Tổ chức Minh bạch quốc tế từng nhận định, Chính phủ các nước hành động vẫn chưa đủ trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhiều nước vẫn không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong 6 năm qua.

Tham nhũng là một vấn đề của mọi nền chính trị trong mọi giai đoạn lịch sử, tuy mức độ ở mỗi quốc gia khác nhau. Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó sẽ dẫn tới mất ổn định chính trị và kinh tế-xã hội.

Tham nhũng là vấn đề của mọi nền chính trị trong mọi gia đoạn 

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm, trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi, hằng năm có khoảng 148 tỷ USD bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra.

Các nước Bắc Âu được đánh giá là có chỉ số tham nhũng thấp nhất thế giới, trong đó phải kể tới Hà Lan, Iceland, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ. Những nước châu Á với các nỗ lực phòng chống tham nhũng được coi là hiệu quả gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hà Lan đã tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó; đồng thời tổ chức các cuộc tuyển chọn chặt chẽ và nghiêm khắc công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, quốc gia này cũng xây dựng hệ thống chuyên trách để giáo dục và tập huấn công chức nhằm giúp họ nhận thức rõ tác hại của các hành vi tham nhũng đối với lợi ích quốc gia; thực hiện chế độ thường xuyên báo cáo và công khai hóa các vụ việc trong quá trình phát hiện tham nhũng và trừng phạt các hành vi tham  nhũng.

Tại Đức, để phòng ngừa và hạn chế hành vi tham nhũng, chính phủ nước này quy định rất rõ ràng rằng công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ. 

Công chức nhà nước không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua những người được ủy quyền, cũng như người thân trong gia đình. Những quy định này được chính phủ ban hành kèm theo các nghị định có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, Singapore đã áp dụng những biện pháp mang tính thể chế để loại bỏ tham nhũng. Một trong những nỗ lực quan trọng nhất là thành lập Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) với tư cách là cơ quan chống tham nhũng độc lập. Cho đến nay, CPIB vẫn duy trì tính độc lập với các cơ quan khác, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn các hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, quyết tâm tiêu diệt tham nhũng của Singapore cũng mang dấu ấn của các nhà lãnh đạo chính trị, “những người đã tự đặt mình làm gương cho công chức, từ bỏ các mối quan hệ kinh tế, thể hiện đạo đức công vụ cao, tránh bất kỳ những hành vi nào có thể hiểu là lạm dụng chức vụ và không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng,” từ đó, tạo ra bầu không khí trung thực và liêm chính.

Một phần quan trọng trong chiến lược của Chính phủ Singapore là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng: cải thiện liên tục tiền lương và điều kiện làm việc. Từ đó, Singapre đã tạo dựng được một nền văn hóa “phi tham nhũng,” mà ở đó công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Phải nói đến Malaysia cũng được coi là một trong những quốc gia đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Tân Thủ tướng Mahathir Mohamad nhấn mạnh việc đối phó với nạn tham nhũng rất quan trọng và chính phủ Malaysia sẽ phối hợp với các nước như Thụy Sĩ, Singapore… để thu hồi tiền bị thất thoát của quốc gia Đông Nam Á này. 

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã yêu cầu các thành viên nội các công khai tài sản với Ủy ban chống tham nhũng Malayssia (MACC) và không được nhận quà, trừ trường hợp quà là thực phẩm và hoa. Yêu cầu trên được áp dụng với toàn bộ chính phủ, bao gồm cả bản thân thủ tướng và các nghị sỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn và quyết liệt với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi” và mang lại những kết quả rõ rệt. Nhiều “hổ lớn” đã bị đưa ra trước công lý như Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang; hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài...

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một khung chiến lược chống tham nhũng chặt chẽ và toàn diện gồm cả khu vực công và tư, đồng thời từng bước hình thành các cơ chế chống tham nhũng hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia. Các nỗ lực chống tham nhũng được tiến hành một cách kiên quyết, đúng pháp luật và có trọng điểm.

Trong những năm qua, các nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống tham nhũng bước đầu đã mang lại những kết quả đáng kể, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi nạn tham nhũng là “giặc nội xâm,” gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế của đất nước và lợi ích của nhân dân; đồng thời khẳng định quyết tâm loại trừ tệ nạn này. Sự thành công của các biện pháp ngăn ngừa và xử lý tham nhũng ở những nước khác sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong nỗ lực thực hiện quyết tâm đó./.

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra