Dấu chấm hết
"Khoản tiền chi cho chiến tranh ngày càng khổng lồ" - Abdulhafid Zlitni, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Libya nói. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Zlitni cho hay chính việc ngừng trệ xuất khẩu dầu khiến tổng chi phí cho cuộc chiến này lên cao đến như vậy. "Vì ngừng xuất khẩu dầu mà chúng tôi thiệt hại khoảng 20 tỉ USD".
Cuộc chiến Libya đặt dấu chấm hết cho thời kỳ phát triển như sóng cồn ở đất nước Bắc Phi này. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới, nền kinh tế Libya bùng nổ trong năm ngoái, với tổng sản phẩm quốc nội tăng 10.3%. Trong một báo cáo được công bố ngày 15.2, trước khi chiến sự Libya bắt đầu, ban điều hành IMF còn kết luận rằng triển vọng nền kinh tế Libya rất sáng sủa.
 |
Đất nước bị tàn phá vì cuộc xung đột đẫm máu |
Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, các cuộc biểu tình chống lại vị tổng thống cầm quyền 41 năm Muammar Gaddafi bắt đầu bùng nổ ở thành phố phía đông Benghazi. Khi biểu tình lan rộng tới nhiều thành phố trên cả nước, chính quyền Gaddafi ra tay đàn áp đẫm máu.
Giờ đây, đất nước bị phân chia thành những khu vực đặt dưới sự kiểm soát của phe chính phủ và quân nổi dậy. Liên minh quân sự NATO đang trong tháng thứ 4 liên tiếp của chiến dịch không kích nhằm thực thi tinh thần nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp bằng vũ lực để bảo vệ dân thường.
Tiêu tan tham vọng
Cuộc chiến cũng làm tiêu tan những kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cấp hệ thống giao thông, nhà cửa, hạ tầng cơ sở ở một đất nước mà từ lâu đã bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế.
"Mục tiêu chính của những kế hoạch đó nhằm tạo khả năng cho nền kinh tế đứng vững trên đôi chân của mình bên cạnh việc sản xuất dầu" - ông Zlitni nhớ lại đầy tiếc nuối khi nói về kế hoạch 170 tỷ USD hiện đại hoá Libya trong 5 năm.
Trong tháng 3, khi chiến sự bùng nổ, hàng chục nghìn lao động nước ngoài tới Libya theo các hợp đồng xây dựng đường sá, sân bay, nhà cửa, hạ tầng viễn thông... nhanh chóng sơ tán khỏi đất nước này. Cuộc di tản bao gồm một số lượng lớn các kỹ sư, công nhân xây dựng và khai thác dầu của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Philippines. Nhiều người trong số họ kể lại những câu chuyện đau lòng về việc bị cướp bóc, trộm cắp điện thoại, máy tính xách tay và tiền.
Họ ra đi bỏ lại đằng sau là những dự án xây dựng khổng lồ nằm rải rác khắp nơi ở Libya. Rất nhiều trong số những công trình dang dở là dự án xây nhà ở cho khoảng 50.000 hộ gia đình.
"Có rất nhiều dự án xây dựng được thực hiện bởi các công ty nước ngoài - ông Zlitni nói - Việc ngừng trệ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với các ngành xây dựng, giao thông và viễn thông.
Cô lập
Đáng ngại hơn cho nền kinh tế Libya là chính quyền Tripoli ngàng càng bị cô lập. NATO thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ do Gaddafi kiểm soát cũng như phong toả các cảng biển của nước này.
Các biện pháp trừng phạt gây nên tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng. Cảnh thường thấy giờ đây là hàng đoàn xe ô tô chờ đợi ở các trạm xăng. Tuần này, chính phủ tuyên bố đã can thiệp nhằm kiểm soát hiện tượng tăng giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, bột mì, thịt, trứng, đường, dầu ăn...
"Về cơ bản chúng tôi trợ cấp với khoản tiền lớn" - ông Zlitni nói. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng chính quyền Gaddafi đang ngày càng khó khoăn hơn khi phải tiếp tục trợ cấp.
Chính quyền nước ngoài phong toả hàng chục tỉ USD tài sản của Libya dưới dạng tín phiếu kho bạc, trái phiếu, cổ phiếu ở nhiều thị trường thế giới như châu Âu, Mỹ hay Châu Á.
"Điều này không thể kéo dài lâu, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng 'hết nạc thì vạc đến xương', ngốn sạch tiền ngân sách" - ông Zlitni so sánh.
Vị bộ trưởng cũng phản đối đề xuất chuyển giao tài khoản ngân hàng của chính phủ cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia của phe nổi dậy ở Benghazi. "Điều này đi ngược lại các quy định quốc tế" - ông Zlitni nói.
Theo Vân Anh
Lao động