Lộ diện quan chức tư pháp TQ leo cao nhờ hồ sơ giả tuốt tuột

Thứ năm, 01/11/2018 12:26
Hôm 30/10, Tòa án An Dương, Trung Quốc tuyên phạt Lô Ân Quang, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư pháp 12 năm tù và phải nộp phạt 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng) về tội đưa hối lộ.

Nhà chức trách cũng tịch thu tang vật mà Quang đã dùng để đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, từ 1992 đến 2016, để được vào Đảng sai quy định, trở thành giáo viên, được khen thưởng, được đề bạt và điều động chức vụ, Lô Ân Quang đã nhờ vả nhiều công chức giúp đỡ. Bị cáo đã nhiều lần đưa hối lộ, với tổng số tiền lên tới 12,78 triệu NDT.

leftcenterrightdel
Lô Ân Quang khi tại chức. 

Từ 1996 đến 2016, các nhà máy chế tạo đồng hồ đo Dương Cốc, chế tạo sản phẩm công nghệ pha lê Dương Cốc, sản xuất keo dùng trong dược phẩm Dương Cốc (Sơn Đông) và khách sạn Thiên Phương (Bắc Kinh) do Quang kiểm soát, đã nhờ nhiều nhân viên công tác nhà nước giúp vay tiền, mua tài sản giá thấp, giảm thuế và phá sản để trốn nợ.

Quang trực tiếp hoặc chỉ đạo các đơn vị này đưa hối lộ hơn 7,967 triệu NDT. Tính ra, Quang đã đưa hối lộ tổng cộng 20,74 triệu NDT.

Lô Ân Quang là quan chức cấp cao đầu tiên sau Đại hội 19 bị xử lý theo trình tự tư pháp về tội đưa hối lộ. Thời gian đưa hối lộ của Lô Ân Quang kéo dài suốt 24 năm, từ 1992 tới 2016.

Theo báo chí, tiền Quang sử dụng để đưa hối lộ đều được lấy từ hoạt động kinh doanh của ông ta. Vì vậy, Quang vừa đưa hối lộ để thăng quan, cũng nhờ đưa hối lộ mà làm ăn phát tài. Ông ta đã thuê nhà ở gần trụ sở Bộ Tư pháp suốt 7 năm, nhưng rất ít về nơi này để tập trung cho việc đầu cơ trục lợi cả về kinh tế lẫn chính trị.

Lô Ân Quang bị "ngã ngựa" ngày 16/12/2016, trở thành quan chức cấp bộ đầu tiên trong hệ thống tư pháp bị quật ngã sau Đại hội 18. 

Ngày 25/5/2017, Quang bị khai trừ đảng và công chức, chuyển cơ quan kiểm sát khởi tố. Thông báo kỷ luật chỉ rõ, Quang làm giả tuổi, tài liệu vào đảng, quá trình công tác, học lực và lai lịch gia đình; suốt thời gian dài dùng tiền mở đường, lôi kéo quan hệ mua quan chức và tìm kiếm danh hiệu; từ một ông chủ tư nhân từng bước leo lên ghế quan chức cấp phó bộ; vừa làm quan vừa kinh doanh, đối kháng thẩm tra, phạm tội đưa hối lộ.

Ông Vương Kỳ Sơn, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) từng viết bài nói rõ chi tiết Lô Ân Quang làm giả hồ sơ: “Trong đơn xin vào Đảng năm 1990 lại ghi về cảm tưởng khi đọc phát biểu của Đặng Tiểu Bình khi tuần thị phương Nam năm 1992”. Trong bộ phim chuyên đề chống tham nhũng của UBKTKLTW cũng đã đề cập đến quá trình làm giả hồ sơ, lý lịch của Lô Ân Quang.

Trong thực tế, Quang chỉ học hết trung học phổ thông, nhưng để liên tục thăng tiến, ông ta đã không ngừng làm giả bằng cấp, từ đại học, thạc sĩ rồi tiến sĩ… Tất cả đều dùng tiền mua rồi trà trộn, đổi trắng thay đen, biến không thành có.

Quang còn sửa năm sinh từ 1958 thành 1965, gia cảnh cũng bị làm giả nghiêm trọng: Ông ta có 7 người con, nhưng chỉ khai có 2. Những người con còn lại đều “gửi” qua nhà anh, chị, em. Quang khai: “Vì giả mạo nên ở nhà tôi không cho các con kêu là “bố” mà phải gọi là “chú” hoặc “bác” kẻo bị lộ”.

Khi hơn 30 tuổi, Quang đã được giao chức Phó chủ tịch Chính Hiệp huyện, sau đó lên Chính Hiệp tỉnh, rồi lần lượt thăng tiến làm Giám đốc Nhật báo Hoa Hạ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quỹ phúc lợi Người tàn tật Trung Quốc. Năm 2009, Quang được chuyển sang Bộ Tư pháp làm Phó chủ nhiệm chính trị kiêm Cục trưởng Cảnh vệ - Nhân sự; từ tháng 11/2015 là đảng ủy viên, Chủ nhiệm chính trị.

Trong 24 năm từ một ông chủ tư nhân “biến mình” thành quan chức cấp bộ, Lô Ân Quang đã có 4 lần “nhảy vọt”. Bước đầu tiên, từ một ông chủ biết làm ăn, có trong tay tài sản hàng trăm triệu Nhân dân tệ, để làm quan, Quang đã lần lượt chuyển giao 5 công ty, nhà máy sang cho anh trai, các cháu đứng tên nhưng ông ta vẫn kiểm soát thực tế, hình thành một tập đoàn quan – thương có quan hệ cùng có lợi.

leftcenterrightdel
 Lô Ân Quang trước tòa.

Trong việc Quang chuyển về Bộ Tư pháp và được trao chức vụ cùng cấp phó bộ, UBKTKLTW kết luận người lãnh đạo Bộ này phải “chịu trách nhiệm lớn”. Quang đã bỏ ra nhiều tiền bạc, sức lực để được người lãnh đạo liên quan nhiều lần tiến cử.

Trên con đường thăng tiến của Quang có tới hơn cán bộ các cấp đã nhận tiền hối lộ của ông ta, trong đó, nhân vật quan trọng nhất chính là Bộ trưởng Tư pháp Ngô Ái Anh. Sau khi nắm quyền ở bộ này hơn chục năm, tháng 10 năm 2017, bà Anh đã bị mất chức và hệ thống ngành tư pháp, công an đang bị thanh lọc mạnh mẽ. 

Lô Ân Quang bị đưa ra xét xử từ ngày 18/4/2018 và đến nay tòa mới tuyên án.

Theo Ngô Tuyết (VNN)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra