Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp Manuel Macron đã cam kết theo đuổi chính sách công bằng trong các vấn đề quốc tế. Thế nhưng ngày 14/4 vừa qua, Pháp lại bất ngờ điều máy bay chiến đấu Rafale phối hợp với Anh và Mỹ tham gia cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở bị cho là chứa vũ khí hóa học của chính phủ Syria.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Zee News.
Theo các chuyên gia phân tích, trong khi Đức tuyên bố đứng ngoài cuộc vì bận rộn giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ, Anh đang cấp tập với hành trình rời khỏi Liên minh Châu Âu, thì Pháp dường như có lợi thế hơn trong thực hiện cam kết sát cánh mạnh mẽ cùng đồng minh, nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị trong nước. Hơn nữa, chiến lược này sẽ giúp Pháp trở lại và mở rộng ảnh hưởng tại bàn cờ Trung Đông.
Tránh vết xe đổ
Tại cuộc gặp Tổng thống Nga Putin ở Cung điện Versailles, Paris hồi năm 2017, Tổng thống Macron đã vạch ra “giới hạn đỏ” về vũ khí hóa học mà chính phủ Syria không thể vượt qua. “Bất cứ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào tại Syria sẽ bị trừng phạt và đáp trả ngay lập tức. Khi đặt ra “giới hạn đỏ” mà không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là lựa chọn của tôi”, ông Macron nói.
Chuyên gia chính trị François Heisbourg tại London cho rằng, chính vì đã đặt ra “giới hạn đỏ” đó mà ông Macron sẽ không thể lùi bước. “Tổng thống Pháp phải đối diện với “giới hạn đỏ” do chính ông vẽ ra cách nay khoảng 1 năm. Và có lẽ ông ấy sẽ phải trả giá khá đắt nếu không thực hiện những điều cần phải làm trong trường hợp như thế này”, ông Heisbourg nói.
Hơn nữa, ông Macron dường như cũng muốn tránh lặp lại sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2013. Vào thời điểm đó, ông Obama cũng vạch ra “giới hạn đỏ” với Syria, nhưng rồi khi bị bắt buộc phải ra lệnh tấn công, nhà lãnh đạo này đã thay đổi ý kiến, chỉ vài giờ trước lúc các máy bay chiến đấu của Mỹ và Pháp vào vạch xuất phát. Điều đó khiến cho uy tín của Mỹ với các đồng minh ở Châu Âu và Trung Đông bị sụt giảm nghiêm trọng. “Chắc chắn ông Macron không muốn đi theo vết xe đổ này”, ông Heisbourg khẳng định.
Không thể thiếu Mỹ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Macron cho biết, ông đã thuyết phục tổng thống Donald Trump duy trì quân đội trên lãnh thổ Syria, bất chấp trước đó ông Trump đã bày tỏ ý định rút quân ra khỏi quốc gia Trung Đông này trong thời gian sớm nhất. Theo quan điểm của Pháp, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria là một yếu tố quan trọng để kiềm chế tham vọng của các bên liên quan, kể cả với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong NATO. Hơn nữa, Tổng thống Emmanuel Macron cần sự hỗ trợ của người đồng cấp Donald Trump để tạo dựng uy tín và thực hiện các chính sách đối với Trung Đông.
Theo các chuyên gia, Pháp đã có sự “nhượng bộ” khi quyết định cùng Mỹ tấn công Syria. Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà nghiên cứu Benjamin Hautecouverture từ Viện nghiên cứu Chiến lược cho biết, mặc dù Tổng thống Macron và Tổng thống Donald Trump có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Pháp vẫn cần Mỹ để đạt được mục đích trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, phòng thủ và kiểm soát vũ khí.
“Tổng thống Macron xác định ngay từ đầu rằng Mỹ và Pháp là đồng minh thân thiết, do vậy trong mọi hoàn cảnh Pháp cần phải phối hợp chặt chẽ với Mỹ”.
Paris có thể một mình thực hiện cuộc tấn công Syria, song để cuộc tấn công diễn ra hiệu quả thì cần phải có sự hợp tác với Mỹ và Anh. “Thời gian gần đây, Pháp đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ về chính trị và ngoại giao của nhiều quốc gia, không chỉ riêng Mỹ mà còn Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia. Mục đích là tạo ra một khối liên minh vững chắc để đảm bảo quyền lợi và vị trí của Pháp, cũng như tạo ra sự đồng thuận rộng rãi cho bất cứ cuộc tấn công nào”, ông Benjamin nói.
Mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông
Mục đích cuối cùng của việc tham chiến tại Syria là Pháp đang muốn trở lại bàn cờ Trung Đông. Vai trò của Pháp bị giảm hẳn từ năm 2013 do việc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama vào giờ chót, đã rút lại quyết định đánh Damascus, trong lúc Paris tuyên bố đã sẵn sàng. Tầm ảnh hưởng của nước này lại càng thêm mờ nhạt kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.
“Trên trận địa Syria, ai cũng nhận thấy chính quyền Tổng thống Assad cùng với đồng minh là Nga và Iran đang giành lợi thế. Trong khi Pháp và nhiều nước phương Tây khác – tham gia hỗ trợ cho lực lượng đối lập hoặc các nhóm phiến quân lại đang thất thế. Dù Mỹ và Pháp đang mất ảnh hưởng tại Syria nhưng họ không muốn chấp nhận sự thật này, không muốn nhường cuộc chơi cho Nga và Iran”, ông Benjamin nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Pháp đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao và quân sự tại khu vực Trung Đông. Minh chứng cụ thể là việc Pháp cùng với Mỹ, Anh phóng hơn 100 quả tên lửa nhằm vào các mục tiêu của Syria bị cáo buộc liên quan đến chương trình vũ khí hóa học, hôm 14/4. Chưa hết, Pháp cũng phối hợp với các đối tác soạn thảo dự thảo nghị quyết về Syria, nhằm giải quyết vấn đề vũ khí hóa học, vấn đề chính trị và nhân đạo.
Bước đi đầy rủi ro
Những tính toán của Tổng thống Macron, dù được xem là tăng cường lợi ích của nước Pháp, nhưng lại bao hàm nhiều rủi ro. Trước hết, Pháp một lần nữa lại bị chỉ trích theo chân Mỹ kích động chiến tranh, trong lúc Paris muốn đóng vai trò trọng tài giữa Nga và Mỹ để giải quyết khủng hoảng Syria đã kéo dài.
Rủi ro tiếp theo đó là Tổng thống Macron đang kỳ vọng vào khả năng giữ Mỹ ở lại trên trận địa Syria, thuyết phục Washington duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên chưa rõ liệu ông Donald Trump có chiều lòng nước Pháp hay không khi luôn một mực khẳng định sa lầy vào cuộc chiến Syria cũng như theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran không có lợi cho nước Mỹ, đặc biệt ảnh hưởng tới chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông theo đuổi bấy lâu nay./.