Mở to mắt ở New York

Thứ hai, 13/08/2018 13:33
Sự choáng ngợp đầu tiên khi đến New York chính là sân bay John F.Kennedy rộng khủng khiếp với 8 terminal. Sự di chuyển của đám đông trong hành trình của mỗi cá nhân làm tôi tự hỏi: Làm sao ta có thể tồn tại khi phải liên tục trải qua hết trạng thái này đến trạng thái khác?

Người lái xe Pakistan ham vui 

Ở New York tôi lại có dịp sử dụng dịch vụ Uber nhanh và tiện. Nếu ở Việt Nam, việc chấm sao cho Uber xưa và Grab nay còn tùy hứng thì sang Âu và Mỹ, việc chấm sao cho Uber cực chuẩn. Lái xe 5 sao là cực kỳ vui tính, lên xe là mở nhạc là hỏi thăm khách rất nhiệt tình. 

leftcenterrightdel
 Ảnh: Việt Văn
Anh chàng lái xe người Pakistan này cũng vậy. Lên xe là “dốc bầu tâm sự”. Ba năm trước, anh đến đây lập nghiệp, 1 năm sau mang gia đình với vợ và hai con nhỏ sang. Anh làm chủ 1 xưởng đóng giày nhỏ, chạy Uber đúng là “tận dụng thời gian nhàn rỗi của xe” nên cuộc sống khá ổn. 

Anh thích đi du lịch và mở điện thoại khoe với tôi bao điểm anh đã từng đến. Trong đó có cả hai điểm mà tôi đến lần này: Las Vegas kinh đô bài bạc và đại vực Grand Canyon, kỳ quan thế giới. FB của anh gần như ngày nào cũng cập nhật. Nhưng anh  bảo tôi càng kết nối bao nhiêu thì sự tự do riêng tư (privacy) càng có nguy cơ bị xâm hại. “Nhưng tôi mặc kệ - rồi anh bảo tôi mà như tự nói với mình: “Hãy tận hưởng cuộc sống đi bạn”. 

Tại sao không? 

“New York that never sleep” (New York không bao giờ ngủ). 

New York, thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ năm 1790, hiện có 8,6 triệu dân, có đủ thứ để xem, hấp dẫn mọi du khách, đến nỗi tôi cảm giác ngày nào ra đường cũng có cái mới… 

leftcenterrightdel
Ảnh: Việt Văn 
“Hello, Dolly” và nụ hôn ở Time Square 

Nếu Philadenfia hơi vắng lặng quá, Washington DC lịch lãm và yên bình thì New York làm bạn phải sôi lên, nó làm bạn không thể sống chậm. Những dòng người nườm nượp đi lại cả ngày lẫn đêm, làm bạn như cảm thấy dòng chảy của cuộc sống luôn trôi đi trong không gian và thời gian như bất tận. 

Hình ảnh quen thuộc của người New York và du khách trên phố là cốc càphê trên tay. Còn loại cà phê gì thì lại thuộc vào "gu" cá nhân, người New York không thích áp đặt ai. 

Một địa danh quá nổi tiếng Time Square - Quảng trường Thời Đại, mà tôi cảm giác nó là hơi thở của New York. Lộng lẫy và sang trọng. Những biển quảng cáo đủ kích cỡ, tràn ngập khắp mọi nơi. Những tòa nhà chọc trời với kiến trúc đa dạng, lại có những nhà cao vừa phải thiết kế cầu thang bên ngoài để tránh hỏa hoạn. 

May mắn, tôi được chứng kiến cảnh hai cô gái hôn nhau say sưa, đắm đuối như chốn không người, thật đẹp và lãng mạn. “Yêu là yêu”. Ai dám bảo tình yêu của người đồng giới không đẹp như khác giới? 

Hôm sau đi trên phố, tôi lại bắt gặp hình ảnh chàng trai trẻ nắm tay cô gái cài hoa trên tóc đi lại thong dong trên phố, gợi nhớ đến bài hát “Tóc gió thôi bay”… 

Năm ngày ở New York, tối nào tôi cũng lượn ra Time Square. Lúc chỉ tìm vào quán bar ngồi uống bia thật chậm rãi để ngắm cái nhịp sống tốc độ của thành phố. Và khi bia đã đủ ngà ngà, tôi có thể ra chỗ dãy ghế dài ở góc phố, nơi khách có thể ngả lưng với lời nhắc chỉ nên nằm tối đa 5 phút rồi nhường cho người khác. 

Nhìn ra xa, một đám đông đang tụ lại để xem những anh chàng hóa trang thành các nhân vật trong các phim nổi tiếng của Hollywood từ phim “Frozen” đến phim “Người nhện” (Spiderman). 

New York không bao giờ buồn chán. 

Một tối ra phố, tôi bắt gặp những viên cảnh sát cưỡi ngựa đi tuần. Con ngựa hùng dũng, kiêu sa trên phố và những cảnh sát hệt như kỵ sỹ bóng đêm bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống, trước sự ngưỡng mộ của đám đông. Một bà mẹ đang dắt con nhỏ đi xe nôi cũng rút vội chiếc điện thoại thông minh ra chụp hình. Và viên cảnh sát khẽ mỉm cười đầy thân thiện. 

Một sáng khác, tôi ra phố vào đúng ngày mưa để thấm cái lạnh thấu xương, để tận hưởng hạnh phúc giản dị là được ngồi nhấp cốc cà phê Capuchino và nghĩ về thời gian. 

Tự nhiên, chiều tối mưa tạnh, hình ảnh chàng họa sĩ trẻ ngồi vẽ chân dung cho cậu bé làm tôi cảm thấy ấm áp và có chút liên tưởng dù hơi xa với những họa sĩ ở phố đi bộ hồ Gươm. Ở đây, giá vẽ biếm họa đen trắng 1 người là 10 USD, 2 người là 20 USD, vẽ màu thì 20 USD và 40 USD. Còn vẽ chân dung kỹ theo kiểu tả thực thì lên tới 80USD và 160 USD, riêng vẽ từ ảnh ra, đắt nhất là 100 và 200 USD. 

New York có quá nhiều điểm hấp dẫn du khách từ Trung tâm thương mại - Rockefeller Center với 19 tòa nhà trên diện tích hơn 89.000m2 do gia đình tỉ phú Rockefeller xây dựng ở trung tâm Midtown Manhattan, Khu vực Đài Tưởng niệm Quốc gia sự kiện 11.9 tọa lạc tại khu Lower Manhattan 2.977 nạn nhân đã thiệt mạng được khắc tên trên bờ của từng hồ nước…

Và đặc biệt bạn nên hào phóng với chính mình để bỏ tiền ra mua vé vào xem nhạc kịch Broadway, và phải đến trước ít nhất là nửa giờ vì những đoàn người xếp hàng dài vào xem. Một cảnh tượng là mơ với nhiều nhà hát ở các nước khác. 

Tôi mua vé vào xem vở “Hello, Dolly” (kịch của Michael Stewart)  với mức giá tối thiểu 120USD, ngồi ghế cuối. Để thưởng ngoạn một sân khấu trang trí đẹp ngỡ ngàng với các diễn viên trẻ và già nhưng đều giàu bản lĩnh và sáng tạo, tung hứng nhịp nhàng mang lại cho khán giả những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Vở diễn hay từ cách chuyển cảnh khéo léo, từ trang phục đẹp, lộng lẫy của diễn viên và nhất là sự hài hước, tinh tế trong từng cảnh…

leftcenterrightdel
 Ảnh: Việt Văn
Thế giới của những kiệt tác 

Thăm bảo tàng nghệ thuật là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến New York. Tôi cứ lang thang, cả ngày mà vẫn cảm thấy thiếu thời gian, khi chiêm ngưỡng các kiệt tác của các danh họa thế giới từ Picasso, Monet, Paul Cézanne, Renoir, Van Gogh, Matisse... trong bảo tàng. 

Trừ Washington DC, bảo tàng là miễn phí, còn ở New York, vé vào cửa từ 18-25USD. Và khách vào xem đông nghẹt, liên tục hết dòng người này đến dòng người khác. Văn hóa xem bảo tàng có lẽ đã thấm đẫm vào ngay những đứa trẻ ở Mỹ khi còn học phổ thông. 

Tôi lại nhớ đến bộ phim “Bộ sưu tập bị đánh cắp” với anh chàng họa sĩ quyết tâm chép tranh của các danh họa để giúp cho người xem có thể cùng chiêm ngưỡng các kiệt tác (dù là tranh chép) trong một không gian nhất định. 

Bảo tàng ở New York mở cửa lúc 11h trưa và đóng cửa từ 17h30 hoặc 20h30 hằng ngày. Trong bảo tàng, có đầy đủ quán càphê, bán đồ ăn trưa, shop bán sách nghệ thuật và đồ lưu niệm... Các phòng trưng bày rất đa dạng, nhiều khi bên cạnh hay bên dưới tác phẩm là một sắp đặt nhỏ, hay khách không chỉ ngắm tác phẩm trực tiếp trên tường, mà còn có thể xem trên slideshow trên máy tính hay xem những đồ vật, kỷ vật gắn liền với nghệ sĩ hay thời đại nghệ sĩ sống… 

Bạn tôi bảo: Đi New York (Mỹ) hãy mở to mắt để thu lượm tất cả những điều hay ho nhất. 

Tôi đã làm như thế nhưng vẫn không chắc rằng liệu tôi có bỏ sót đi điều gì hay ho không? 

Theo Ký sự của Việt Văn

Laodong.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra