Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria ngày 13.4. Ảnh: Reuters
Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "sứ mệnh hoàn thành" ở Syria, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "đoàn kết và chủ động đưa ra sáng kiến về các vấn đề chính trị, hóa học và nhân đạo ở Syria" - RT dẫn tuyên bố của Tổng thống Pháp sau cuộc điện thoại trực tuyến với Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Theresa May ngày 14.4.
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 14.4, Nga đề xuất một nghị quyết kêu gọi Mỹ và đồng minh "lập tức chấm dứt các hành động chống lại Syria và kiềm chế các hành động hung hăng vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc". Dự thảo nghị quyết không được thông qua vì không đủ 9 phiếu cần thiết.
Tất nhiên, cả Mỹ, Anh và Pháp - 3 thành viên thường trực có quyền phủ quyết - bỏ phiếu chống. Rõ ràng, khi ông Macron nói đến sự thống nhất ở Liên Hợp Quốc, nghĩa là nói đến sự thống nhất đằng sau hành động của Washington, Paris và London.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhanh chóng ủng hộ nỗ lực của đồng minh. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố, EU "sẽ sát cánh với các đồng minh đứng về phía công lý".
NATO ủng hộ vụ tấn công Syria, cho biết "coi bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học của một nước hay tổ chức là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế".
Đáng chú ý, Italia bày tỏ quan điểm bất đồng so với quan điểm của EU và NATO. Rome sẽ không cho phép sử dụng các căn cứ của NATO trên đất mình để thực hiện các cuộc không kích, mặc dù đồng ý hỗ trợ hậu cần cho Anh, Mỹ và Pháp.
"Bây giờ không phải là thời điểm để leo thang, mà là thời điểm ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột khủng khiếp kéo dài 7 năm qua ở Syria" - RT dẫn lời Thủ tướng mãn nhiệm Paolo Gentiloni nói.
Tuy nhiên, người kế nhiệm tiềm năng của ông, Matteo Salvini thẳng thừng lên án cuộc tấn công. "Chúng ta vẫn đang tìm 'vũ khí hóa học' của Saddam Hussein, chúng ta vẫn đang trả giá cho cuộc chiến tranh điên rồ ở Libya, và ai đó đã nhanh tay phóng 'tên lửa thông minh', nhưng điều đó chỉ giúp cho những kẻ khủng bố Hồi giáo sắp bị đánh bại. Hãy chấm dứt tất cả những sự điên rồ này" - ông Salvini viết trên Facebook.
"Từ cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại Nam Tư năm 1999, Mỹ, Anh và Pháp muốn có một trật tự quốc tế của riêng mình. Họ không còn quan tâm đến việc có một tổ chức quốc tế hoạt động hiệu quả. Vì vậy, họ làm hết sức để tạo ra thế giới của riêng họ, nơi họ có thể làm những gì muốn làm" - ông Wimmer, cựu phó chủ tịch hội đồng nghị viện OSCE nói với RT.
Theo Song Minh
Lao động