Diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông - châu Phi đang có những diễn biến phức tạp như cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng ở Syria hay Yemen, những cam kết hợp tác được đưa ra trong chuyến thăm được dư luận khu vực hết sức quan tâm. Mục đích của chuyến thăm được cho là nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự, hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố với các nước đồng minh của Mỹ, cũng như thông báo về một số quan điểm, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong giải quyết các vấn đề nóng ở khu vực như Syria, Yemen, Iran, Iraq. Và Saudi Arabia là chặng dừng chân đầu tiên của ông James Mattis.
Chuyến thăm này cho thấy những nỗ lực của chính quyền mới tại Mỹ nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ giữa 2 nước, vốn trải qua nhiều sóng gió dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Vì vậy, đến Saudi Arabia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã mang theo thông điệp của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước thông qua việc lắng nghe và hiểu biết lẫn nhau.
Tiếp sau chuyến thăm Saudi Arabia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến Ai Cập. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trở nên nồng ấm hơn dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (Giêm Mát-tít) đã lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống Fattah al-Sisi (Phát-ta An Xi-xi) và người đồng cấp nước chủ nhà Sedki Sobhi (Xét-ki Xô-bi). Phía Ai Cập đánh giá cao mối quan hệ với Mỹ và mong muốn Washington tăng cường thúc đẩy hợp tác an ninh-quân sự song phương, trong khi phía Mỹ cũng khẳng định luôn ủng hộ quốc gia đồng minh Ai Cập, đồng thời cam kết sẽ không chỉ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác hiện có, mà còn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.
Tại Israel, trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Tổng thống Reuven Rivlin và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đều xoay quanh vấn đề về Iran, Syria và mối quan hệ chiến lược chặt chẽ của Mỹ và Israel bất chấp những căng thẳng gần đây dưới thời ông Barack Obama.Tại Qatar, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc gặp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani (Sếch Ta-mim bin Ha-mát An - Tha-ni), thảo luận về cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cuộc khủng hoảng tại Syria cũng như vai trò trong khu vực của Iran, quốc gia vốn bị Washington coi là yếu tố gây mất ổn định tại Trung Đông. Bộ trưởng Mattis đánh giá, dù nhỏ bé nhưng quốc gia đồng minh Qatar nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực vùng Vịnh và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị khu vực. Qatar cũng là nhà đàm phán chủ chốt trong thỏa thuận trung gian sơ tán hàng nghìn người tị nạn Syria khỏi các thành phố bị IS kiểm soát và chiếm đóng tại nước này. Djibouti là chặng dừng chân cuối cùng của ông Mattis lần này. Tại đây, ông Mattis đã có các cuộc gặp với Tổng thống Djibouti Ismael Omar Guelleh và Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Phi, Tướng Thomas Waldhauser.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Trung Đông và châu Phi lần này đã cho thấy thông điệp rất rõ của chính quyền Mỹ, đó là củng cố quan hệ đồng minh và hợp tác chống khủng bố. Có thể thấy, đối với Saudi Arabia, chuyến đi của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Saudi Arabia lo ngại về sự can dự ngày càng tăng của Iran vào các quốc gia Arab thông qua ảnh hưởng với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite, đặc biệt là tại Yemen. Là một quốc gia láng giềng với Saudi Arabia có chung đường biên giới phía Đông, Yemen đã bị tàn phá nặng nề do cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua giữa nhóm nổi dậy người Houthi do Iran hậu thuẫn với các lực lượng thân chính phủ được sự hỗ trợ Saudi Arabia. Do đó, việc tăng cường giữa Mỹ và Saudi Arabia trong vấn đề Yemen sẽ phần nào nói lên mức độ mối quan hệ đồng minh giữa hai nước dưới thời chính quyền mới tại Mỹ. Thực tế cho thấy, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có một loạt bước đi có thể coi là khiến Saudi Arabia hài lòng. Đầu tiên phải kể đến việc chính phủ Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Iran sau khi nước này phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo, cũng như vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Yemen.
Một số nhà phân tích còn nhận định, thời gian tới, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể nối lại việc bàn giao các loại bom thông minh có khả năng dẫn đường cho Saudi Arabia, mà chính quyền Tổng thống Obama đã quyết định tạm ngừng ngay trước khi rời nhiệm sở do lo ngại về thương vong với dân thường tại Yemen. Hay chính quyền Trump có thể quyết định tăng cường hỗ trợ cho liên minh Arab tại Yemen, dù chính quyền của ông nhiều lần khẳng định muốn khôi phục "càng sớm càng tốt" các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Đổi lại, Mỹ muốn Saudi Arabia tăng cường tham gia vào chiến dịch chống lại IS ở Iraq và Syria. Và điều này được cho là không khó để nhận được sự đồng ý của Saudi Arabia.
Đối với Ai Cập, trong nhiều thập kỷ qua, Ai Cập là một trong những trụ cột ổn định truyền thống tại Trung Đông và là đối tác tin cậy của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo của Ai Cập Mohamed Morsi (Mô-ha-mét Mo-xi) hồi tháng 7-2013. Quan hệ hai nước bắt đầu có dấu hiệu tan băng sau cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ hồi tháng 11-2016. Tổng thống al-Sisi là nhà lãnh đạo Arab đầu tiên gọi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump. Đầu tháng 4-2017, Tổng thống al-Sisi đã có chuyến thăm Mỹ và nhận được sự đón tiếp trọng thị của Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của Tổng thống al-Sisi và cũng là chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong vòng 8 năm qua của một tổng thống Ai Cập.
Với Israel, Mỹ và nước này hiện đều có mối bận tâm chung đó là ảnh hưởng của Iran trong vấn đề Syria. Israel là một trong những nước đầu tiên hoan nghênh động thái của ông Donald Trump khi không kích tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học đầu tháng 4 vừa qua. Hiện Israel và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sự hiện diện của Iran tại nước láng giềng Syria, nơi các lực lượng được cho là do Iran hỗ trợ đang tham chiến cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, mối quan hệ với Qatar-một quốc gia vùng Vịnh, cũng đã trở nên căng thẳng dưới thời của Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma). Mỹ cho rằng các đối tác này quá "trì trệ" trong việc can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria cũng như "thân thiện quá mức" với Iran. Mỹ cũng từng cáo buộc Qatar không mặn mà với cuộc chiến chống các tổ chức cực đoan như IS. Qatar đã bác bỏ cáo buộc trên. Dù vậy, hai nước có quan hệ kinh tế khá tốt khi tháng 10-2016, Hãng Hàng không quốc gia Qatar thông báo hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của Mỹ với trị giá lên tới 18,6 tỷ USD.
Đối với Djibouti, tuy là quốc gia nhỏ bé song có ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Mỹ ở vùng Sừng châu Phi. Đây là nơi đặt căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Căn cứ Camp Lemonnier của Mỹ ở Djibouti là nơi đồn trú khoảng 4.000 binh sỹ và nhân viên của Mỹ ở Somalia trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang như Al-Shabaab, cũng như hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ ở Yemen, nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ thường tiến hành các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái nhằm vào nhóm Al Qaeda ở Bán đảo Arab.
Có thể thấy, khi chính quyền Tổng thống D.Trump đang phải đối mặt với một khu vực Trung Đông “nóng bỏng”, cuộc chiến ở Syria kéo dài chưa có hồi kết, tình hình Yemen, Libya và tiến trình hòa bình Israel-Palestine cũng chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”... thì chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis được xem là động thái nhằm cài đặt lại quan hệ với các đồng minh Arab. Điều này cũng khẳng định chính sách Trung Đông mới của chính quyền Donald Trump./.
Dương Thái (tổng hợp)