Mỹ mở chiến dịch truy tìm tên lửa mất tích ở Libya

Thứ sáu, 14/10/2011 15:52
Mỹ đang lên kế hoạch cử hàng chục nhân viên quân sự tới Libya để truy tìm và huỷ diệt tên lửa đất đối không bị mất tích từ kho vũ khí của Đại tá Muammar Gaddafi.

Phá huỷ tên lửa vác vai SAM-7 trong một buổi lễ mang tính biểu tượng tại Benghazi.


Số chuyên gia quân sự này là một phần trong chương trình trị giá 30 triệu USD nhằm đảm bảo an toàn cho vũ khí thông thường của Libya trong bối cảnh bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại đất nước này.

 

Theo đó, 14 chuyên gia quân sự đã được cử tới giúp quan chức Libya, trong khi chính phủ Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm hàng chục chuyên gia khác. Hàng ngàn tờ rơi bằng tiếng Anh, Pháp và Arab được phát tới các nước láng giềng để lực lượng bảo vệ biên giới có thể nhận biết số tên lửa bị mất tích. Đây có thể là một trong 3 chương trình thu hồi vũ khí lớn nhất của Mỹ trên thế giới, bên cạnh chương trình ở Iraq và Afghanistan.

 

Gaddafi là một trong những người mua tên lửa vác vai nhiều nhất thế giới, với khoảng 20.000 chiếc trong thời gian những năm 70-80. Mặc dù loại vũ khí này còn hạn chế về hiệu quả chống lại chiến đấu cơ hiện đại, nhưng nó vẫn là mối đe doạ cho máy bay chở khách thương mại.

 

Hàng nghìn tên lửa đã bị phá huỷ trong các cuộc đánh bom của NATO, nhưng bên cạnh đó một số lượng lớn đã bị mất tích từ kho vũ khí không có người bảo vệ sau khi lực lượng của Gaddafi trốn chạy.

 

Không giống như ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ không có binh sĩ ở Libya để đảm bảo an toàn cho số vũ khí này. Tổng thống Obama từ chối triển khai lực lượng bộ binh tới Libya mặc dù một số nghị sĩ quốc hội, nhất là Chủ tịch Uỷ ban tình báo Hạ viện Mike Rogers đã lên tiếng kêu gọi Mỹ triển khai quân tới Libya.

 

Tên lửa vác vai đang nổi lên như một mối đe doạ toàn cầu, với hơn 40 máy bay dân sự bị loại tên lửa này đánh trúng kể từ những năm 1970. Sau khi những kẻ khủng bố Al Qaeda cố gắng bắn hạ máy bay ở Mombasa, Kenya năm 2002, chính phủ Mỹ nhanh chóng tăng cường nỗ lực theo dõi và huỷ diệt loại tên lửa này, được biết với cái tên kỹ thuật là MANPADS.

 

Những chuyên gia quân sự do Mỹ cử tới Libya sẽ gia nhập vào 20 nhóm nhân viên an ninh của chính phủ lâm thời. Đến nay, Mỹ đã khảo sát 20 trong số hàng chục kho dự trữ vũ khí của chính quyền cũ, cố gắng xác định những gì đã mất tích.

 

Ngoài ra Mỹ cũng cầu viện sự giúp đỡ từ các nước đồng minh Châu Âu. Anh đã cử một đội chuyên gia quân sự nhỏ tới Libya giúp sức.

 

Theo Song Minh

Lao động

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra