Mỹ và đồng minh với mối lo mất Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc

Thứ năm, 26/04/2018 09:33
Nếu Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Thái Bình Dương thì điều này có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Mỹ và đồng minh.
Hồi đầu tháng này, có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương. Đây có phải là “thông tin giả mạo” hay thế giới đang thực sự chứng kiến giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa các cường quốc phương Tây với Trung Quốc?


leftcenterrightdel
 Chiến đấu cơ trên tàu sân bay của Trung Quốc. Ảnh: Quân đội Trung Quốc.

Tin đồn không rõ ràng về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương lần đầu được đăng tải trên trang Fairfax. Dù bản thân tờ báo này khẳng định vẫn chưa có đề xuất chính thức nào được đưa ra nhưng vấn đề này đã được thảo luận “ở cấp cao nhất”.

Theo đó, một căn cứ sẽ được đặt ở vị trí cách bờ biển Australia chỉ chưa đầy 2.000km, cho phép Trung Quốc tạo vị thế quân sự ở Thái Bình Dương và củng cố sự cân bằng chiến lược lâu dài trong khu vực. Tuy vậy, điều này có khả năng làm gia tăng nguy cơ đối đấu giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh.

Nguồn tin này cho rằng, căn cứ của Trung Quốc sẽ được đặt ở Vanuatu – quốc đảo có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Trong khi các nước phương Tây, đặc biệt là Australia ngày càng tỏ ra lo ngại trước việc Trung Quốc không ngừng tăng cường quân sự hóa tại Biển Đông.

Vanuatu là một trong số rất ít quốc gia công khai ủng hộ chương trình cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông còn Bắc Kinh lại rất hào phóng tặng xe quân sự cho nước này, đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng ở Vanuatu.

Phản ứng của các đồng minh Mỹ

Không có gì lạ khi thông tin Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương vấp phải phản ứng khá gay gắt của các đồng minh Mỹ trong khu vực, đặc biệt là New Zealand và Australia.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, ông rất quan ngại trước việc thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nào của nước ngoài tại các quốc đảo ở Thái Bình Dương và đặc biệt là “hàng xóm” của Australia.

“Việc duy trì hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Đối với Australia, đó là một trong những ưu tiên chính của chính sách đối ngoại”, Thủ tướng Turnbull nói.

Cùng chung quan điểm với Australia, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng lên tiếng phản đối những gì mà bà mô tả là hành động “quân sự hóa” tại Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng New Zealand Winston Peters bóng gió rằng: “Có một số bên đang làm những điều không tốt cho hòa bình và an ninh ở Thái Bình Dương”, đồng thời bày tỏ quan điểm, đã đến lúc New Zealand “bước lên” và “làm được nhiều điều hơn ở Thái Bình Dương”.

Mặc dù vậy, cả Vanuatu và Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ ở Vanuatu.

“Không ai trong Chính phủ từng nói về một căn cứ quân sự Trung Quốc ở Vanuatu dưới bất kỳ hình thức nào”, Ngoại trưởng Vanuatu Ralph Regenvanu nói. “Chúng tôi là một quốc gia không liên kết. Chúng tôi không quan tâm đến việc quân sự hóa”.

Trung Quốc thậm chí còn gọi thông tin của Fairfax là “tin tức giả mạo”.

Mỹ lúng túng trước tham vọng của Trung Quốc?

Hiện tại, Trung Quốc chỉ duy trì một căn cứ quân sự ở nước ngoài, cụ thể là ở Djibouti. Căn cứ này được cho là “viên ngọc đầu tiên trong sợi dây chuyền” mở dọc theo tuyến đường biển sẽ kết nối Trung Quốc với Trung Đông.

Theo các nhà ngoại giao, có những “thông tin đáng tin cậy” về kế hoạch của Trung Quốc xây dựng các căn cứ hải quân ở một số địa điểm như Đông Timor, đảo Azores (Bồ Đào Nha) ở Đại Tây Dương, vịnh Walvis (Namibia) ở Nam Đại Tây Dương, và Gwadar (Pakistan). Ngoài ra còn một số địa điểm bị đồn đoán khác nhưng chưa có nguồn xác thực.

Trong trường hợp Pakistan, các quan chức quân sự Trung Quốc giấu tên lần đầu tiên nói với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan của Pakistan. Gần như ngay lập tức, cả Pakistan và Trung Quốc bác bỏ thông tin này dù chính các quan chức của Trung Quốc nói ra chứ không phải “sản phẩm” của truyền thông phương Tây.

Quay lại câu chuyện tin đồn Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Vanuatu. Fairfax đã chỉ rõ rằng tham vọng của Bắc Kinh nhằm mục đích có thể cho phép tàu của Hải quân Trung Quốc cập bến thường xuyên ở Vanuatu để tiếp tế và bảo dưỡng.

Thông tin của Fairfax cũng ghi nhận thực tế Trung Quốc đã đầu tư vào một cảng biển lớn trên đảo Espiritu Santo ở phía bắc của Vanuatu. Cảng biển này có khả năng phục vụ cả tàu chiến của hải quân cũng như các tàu thương mại.

Vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Espiritu Santo là không phải bàn cãi. Đây chính là nơi đặt căn cứ Luganville – một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, bất kỳ ai kiểm soát được Vanuatu thì có thể kiểm soát cả tuyến đường hàng không và đường biển nối Mỹ và Australia. Đây rõ ràng là vấn đề không chỉ với riêng Mỹ mà còn với Australia và New Zealand – những quốc gia được ví như “người bảo vệ” lợi ích cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Washington.

Con đường tránh leo thang căng thẳng

Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Tư lệnh Thomas Shugart và Tư lệnh Javier Gonzalez tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng các căn cứ của Mỹ đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước khả năng tấn công của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc và rằng, nếu xảy ra xung đột, các tên lửa của Bắc Kinh có thể làm tê liệt khả năng quân sự của Washington ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương chỉ bằng số lượng nhỏ vũ khí hiện có.

Trong khi Mỹ và Australia tiếp tục cử tàu chiến tới Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông với tham vọng chứng minh rằng họ là một lực lượng không thể xem thường trong khu vực.

Theo giới quan sát, ở vào vị thế hiện nay của Australia và New Zealand, hai nước này có lý do để lo ngại về thông tin Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự ở Vanuatu nhưng vẫn còn những lựa chọn thay thế cho đối đầu, mang lại lợi ích nhiều hơn cho an ninh khu vực.

Chuyên gia về an ninh Nam Á tại Đại học quốc gia Australia (ANU), Tiến sĩ David Brewster nhận định: “Cho dù thông tin Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự ở Vanuatu là thật hay giả thì Australia cần phải hiểu rõ hơn vấn đề, để qua đó có cách đối phó với tham vọng về lợi ích ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Nếu Australia tự coi mình là một nhà lãnh đạo trong khu vực thì cần thể hiện vai trò đó trong việc tránh để Nam Thái Bình Dương bị quân sự hóa. Thay vì hy vọng ‘khóa chặt’ Trung Quốc, Australia nên làm việc với họ để giải quyết một số mối quan ngại hiện nay theo cách không gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích chiến lược rõ ràng của Canberra”./.


Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra