Người biểu tình Thái Lan chiếm nhiều cơ quan chính phủ
Thứ ba, 26/11/2013 09:45 (GMT+7)
Cuộc biểu tình ngày 25.11 tại Bangkok được cho là lớn nhất kể từ đợt bạo động làm 90 người chết hồi năm 2010.Xuất hiện trên truyền hình tối qua, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố áp dụng tình trạng an ninh khẩn cấp cho phép cảnh sát sử dụng biện pháp mạnh ở Bangkok do người biểu tình đã đi quá giới hạn, gây cản trở cho cơ quan chính phủ và phiền phức cho người dân.
Trước đó, ít nhất 5 tổ chức chống chính phủ và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng tổ chức xuống đường ở thủ đô Thái Lan. Họ xuất phát từ những điểm khác nhau, diễu hành qua các đường phố rồi tiến thẳng đến các cơ quan chính phủ như Văn phòng chính phủ, Bộ Tài chính, Cơ quan cảnh sát, quân đội và các kênh truyền hình nhà nước.
|
Người biểu tình bao vây trụ sở Cảnh sát thủ đô - Ảnh: Minh Quang |
Một nhóm do Phó chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu xông vào chiếm được trụ sở của Cục Ngân sách thuộc Bộ Tài chính và một phần Cục Đối ngoại thuộc Văn phòng chính phủ. Tại những nơi này đều không có sự hiện diện của lực lượng an ninh dù cảnh sát được bố trí dày đặc ở những điểm nóng biểu tình khác. Sau đó, những người ở Cục Đối ngoại rút đi nhưng phe biểu tình tuyên bố chiếm cứ Cục Ngân sách thành nơi đóng quân dài hạn nhằm kiểm soát “trái tim của chế độ Thaksin”. Ông Suthep còn kêu gọi chiếm cứ các cơ quan khác trong những ngày tới.
Ngoài ra, một nhóm khác bao vây trụ sở Cảnh sát thủ đô, buộc tội Cảnh sát trưởng tướng Camronwit Toopgrajank là “tay sai của Thaksin” và tuyên bố sẽ không rời đi cho đến khi ông Camronwit ra đối chứng. Người biểu tình còn kéo đến phản đối Kênh truyền hình 3 với cáo buộc “bênh vực chính phủ và xuyên tạc cuộc biểu tình”.
Cảnh sát ước tính có khoảng vài chục ngàn người tham gia biểu tình nhưng theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, con số lớn hơn nhiều. Họ diễu hành, thổi còi và la hét inh ỏi làm phần lớn Bangkok bị tê liệt. Đến nay chưa có vụ bạo lực nào xảy ra nhờ người biểu tình không gây bạo động hay đập phá còn lực lượng an ninh cũng kiềm chế không sử dụng bạo lực để trấn áp.
Cuộc biểu tình ngày 25.11 nối tiếp những ngày náo loạn vừa qua ở Bangkok khi phe đối lập tổ chức biểu tình phản đối dự luật ân xá của chính phủ mà họ cáo buộc là nhằm mở đường cho ông Thaksin về nước. Tuy dự luật đã bị bãi bỏ nhưng căng thẳng ở Thái Lan không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng khi mục tiêu biểu tình biến thành đòi hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, em gái ông Thaksin, và “loại bỏ những tay sai” của cựu thủ tướng này. Giới quan sát cho rằng đảng Dân chủ và đồng minh quyết lợi dụng cơ hội biến biểu tình chống dự luật ân xá thành chống đảng cầm quyền Puea Thai để trở lại vị thế lãnh đạo bị mất sau cuộc bầu cử năm 2011 và sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Hôm qua, Thủ tướng Yingluck cũng khẳng định sẽ không từ chức hay giải tán hạ viện dù tình thế của bà hiện bị giới quan sát cho là rất khó khăn. Dự kiến, trong 2 ngày 26-27.11, quốc hội Thái Lan sẽ họp bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ thủ tướng.
Trong khi đó, phe áo đỏ cũng từ khắp nơi kéo về Bangkok để bày tỏ ủng hộ và thị uy với phe đối lập. Tuy nhiên nhóm này chưa có hành động gì ngoài việc tập trung dài ngày trong sân vận động lớn nhất Bangkok. Lãnh đạo nhóm cho biết sẽ không tổ chức tuần hành để tránh gây thêm náo loạn.
Theo Minh Quang
Thanhnien
tranthanhhuyen