Nhật chỉ trích Trung Quốc

Thứ hai, 13/01/2014 13:23
Nhật Bản ngày 12-1 gia nhập “đội quân” với Mỹ, cùng chỉ trích những quy định hạn chế đánh cá mới của Trung Quốc trên biển Đông.


Theo Tokyo, những quy định vô lý này cùng với việc tuyên bố Khu vực Xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi năm ngoái đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.

“Thiết lập những quy định đơn phương như thể đây là vùng lãnh hải của riêng mình và áp đặt những hạn chế nhất định trên tàu thuyền đánh cá không phải là việc mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói trước các phóng viên về những hành động đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông.

Bộ trưởng Onodera đưa ra những nhận định như thế này sau khi thị sát lữ đoàn không vận ưu tú của lực lượng Quốc phòng đang tiến hành cuộc tập trận thả dù nhằm bảo vệ và chiếm lại các vùng đảo hôm 12-1. “Tôi sợ không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế đều lo ngại rằng, Trung Quốc đang đơn phương đe dọa an ninh trật tự thế giới với những hạn chế mới tại biển Đông và cả tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera kiểm tra buổi tập trận
của không quân hôm 12-1.  Ảnh: Reuters

 Trong chiến dịch mở rộng tuyên bố chủ quyền biển Đông, Trung Quốc ngày 8-1 ra lệnh cho tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò cá tại 2/3 diện tích khu vực giàu tài nguyên này. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 vốn được chính quyền tỉnh Hải Nam công bố vào cuối tháng 11-2013.

Các nước liên quan ngay lập tức bác bỏ quy định này. Mỹ gọi là các quy tắc đánh cá này là “hành động khiêu khích và nguy hiểm”, tuyên bố vốn làm bùng nổ sự bác bỏ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10-1. Theo Washington, “sự nguy hiểm” được thể hiện rõ ràng khi Bắc Kinh không đưa ra lời giải thích hay cơ sở nào chiểu theo luật pháp quốc tế cho những tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn này.

BỘ TRƯỞNG BIỂN VÀ LÃNH THỔ NHẬT BẢN ĐẾN ĐÔNG NAM Á

Bộ trưởng phụ trách chính sách biển và các vấn đề lãnh thổ Nhật Bản Yamamoto Ichita ngày 12-1 bắt đầu chuyến công du đến 3 quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Việt Nam và Singapore trong 6 ngày

Dự kiến, tại bàn hội đàm với giới chức các nước, ông Yamamoto sẽ nhấn mạnh vấn đề chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông và việc sẽ cương quyết, bình tĩnh đáp lại những hành động vi phạm lãnh thổ của các tàu Trung Quốc. Chuyến đi cũng nhằm giải thích lý do Thủ tướng Shinzo Abe viếng đền Yasukuni tại Tokyo hồi tháng trước.

Thật sự, mối quan hệ Trung-Nhật, nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, căng như dây đàn do những tranh chấp lâu dài về chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Căng thẳng tăng cao trong những tháng gần đây sau khi Bắc Kinh tuyên bố ADIZ, bao gồm cả các đảo đang tranh chấp và chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni.  

Trong động thái đổ thêm dầu vào chảo lửa Hoa Đông, sáng 12-1, 3 tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đi vào các vùng nước ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo đang kiểm soát. Đây là vụ xâm nhập lãnh hải Nhật Bản đầu tiên của các tàu Trung Quốc trong năm 2014. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG), vụ việc xảy ra vào lúc 8 giờ 30 và các tàu của Bắc Kinh rời khỏi khu vực trên vào khoảng gần 2 giờ sau đó. “Chúng tôi không bao giờ có thể bỏ qua những hành động lặp đi lặp lại một mục đích như thế này. Ngoài nỗ lực ngoại giao, chúng tôi sẽ hợp tác với Cảnh sát biển bảo vệ lãnh thổ và các vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku”, Bộ trưởng Onodera khẳng định.

Các tàu và máy bay của Trung Quốc thường xuyên tiếp cận quần đảo Senkaku để khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi chính phủ Tokyo quốc hữu hóa một số hòn đảo trong quần đảo này vào tháng 9-2012. Tàu Trung Quốc và Nhật Bản nhiều lần suýt đụng nhau, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu có thể biến thành một cuộc đụng độ vũ trang trên biển Hoa Đông.

Theo Khả Anh

CAND

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra