Những bí mật hậu trường ít biết về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ hai, 04/06/2018 07:20
Khi các nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cân nhắc địa điểm thích hợp cho sự kiện, một yếu tố thiết yếu họ phải lưu tâm là một căn phòng với nhiều cửa.

Những đòi hỏi tế nhị

Theo các thông lệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không nên bước vào phòng hội đàm qua cùng một cửa, để tránh cảm giác người nào được vào trước và người nào phải "chờ đợi". 

Đây chỉ là một trong vô số vấn đề phức tạp cần tháo gỡ trong khâu chuẩn bị cho hội nghị lịch sử dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới, sự kiện đánh dấu việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm lần đầu tiên gặp gỡ nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Các bên liên quan cũng đang phải tính đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

leftcenterrightdel
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Ảnh: Shutterstock 

Báo Strait Times dẫn lời các quan chức ngoại giao và một số học giả về quan hệ quốc tế cho hay, với một cuộc tiếp xúc cấp cao, quan trọng đến như vậy, bất kỳ chi tiết nhỏ nhất nào cũng có thể là yếu tố nhạy cảm và cần đảm bảo sự ngang bằng. 

Theo họ, quốc gia nào có khả năng giải quyết ổn thỏa các vấn đề chính là Singapore, một nước giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện cấp cao, bao gồm cả các cuộc họp của ASEAN và Đối thoại Shangri-La. 

"Với tư cách nước chủ nhà, vai trò của Singapore là cung cấp một môi trường hòa bình, an toàn và thuận lợi cho hội nghị. Nước chủ nhà cũng cần phải sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng, theo yêu cầu của hai bên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh", Ong Keng Yong, nhà ngoại giao Singapore từng đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký ASEAN giai đoạn 2003 - 2007, nhân định trên báo The Sunday Times. 

Ông Nicholas Fang, Giám đốc an ninh và các vấn đề toàn cầu tại Viện Ngoại giao Singapore lưu ý, tất cả những đóng góp của Singapore cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ ở hậu trường, vì đây không phải cuộc gặp của Singapore. 

Một cựu quan chức ngoại giao giấu tên của Singapore nói một cách hài hước rằng, nhiệm vụ của nước này chỉ là đảm bảo "chuyện trà, nước" cho cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và ông Trump. 

Phương tiện đi lại và nghi thức tiếp đón 

Tuy nhiên, chuyện trà, nước cũng không hề đơn giản. Nước chủ nhà không được phép bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. Ví dụ, theo một quan chức phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Singapore, nhiều người ngoại quốc không quen với cà phê kiểu Nanyang. Do đó, các nhà tổ chức phải thay thế bằng thứ đồ uống pha theo kiểu quốc tế. 

Tiến sĩ Alan Chong thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratanam (RSIS) cho biết thêm, các nhà tổ chức cũng đang phải cân nhắc nhiều vấn đề hậu trường khác, từ an ninh tới công tác hậu cần nhằm đảm bảo "sự ngang hàng rõ thấy". Singapore đã huy động cả Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ giao thông vận tải và nhiều cơ quan chính phủ khác cùng tham gia công tác chuẩn bị này. 

Theo tiến sĩ Graham Ong - Webb thuộc trường RSIS, "nghi thức ngoại giao có thể tạo dựng hoặc phá bỏ các cuộc gặp thượng đỉnh". Đó là lí do tại sao trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, hai bên đã có các cuộc thảo luận kỹ lưỡng với Singapore nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình, kể cả các tình huống nhạy cảm tiềm ẩn. 

Khi chỉ còn khoảng một tuần trước sự kiện, các nhà tổ chức đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị. Nước chủ nhà sẽ phải đảm bảo sự tương xứng ngay từ giây phút các máy bay của hai nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên hạ cánh. Nếu chuyên cơ Không lực Một của ông Trump trông ấn tượng hơn nhiều chiếc máy bay chuyên chở ông Kim, phía Triều Tiên có thể yêu cầu báo chí không được phép tiếp cận, đưa tin về việc họ tới sân bay Singapore như thế nào. Các nhà báo lúc đó có thể chỉ được mời tới buổi Lễ đón tiếp chính thức ở Dinh tổng thống Singapore (Istana). 

Các mẫu xe hơi chuyên chở hai nguyên thủ cũng phải cùng cấp độ. Người Mỹ thường mang xe hơi riêng trong các chuyến công du của lãnh đạo Nhà Trắng, bao gồm cả chiếc siêu xe Cadillac One, biệt danh "Quái thú" của tổng thống Mỹ. Tiến sĩ Chong tin, phía Triều Tiên có thể phải thuê một chiếc xe tương đương ở Singapore. 

Theo nghi thức ngoại giao, Singapore sẽ cử một bộ trưởng Nội các tháp tùng mỗi nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên. 

Vai trò quan trọng của sự ngang bằng cũng là lí do tại sao cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim khó có khả năng diễn ra tại Marina Bay Sands. Tiến sĩ Ong - Webb nói, tổ hợp khách sạn cao cấp này thuộc quyền sở hữu của đại gia Mỹ Sheldon Adelson, một người bạn của ông Trump. Việc tổ chức hội nghị tại đây do vậy có thể ảnh hưởng tới bầu không khí trung tập và ngang bằng cần thiết. 

Dư luận hiện đang râm ran các đồn đoán rằng, Tổng thống Mỹ sẽ nghỉ tại khách sạn 5 sao Shangri-La, trong khi lãnh đạo Triều Tiên sẽ lưu trú tại khách sạn hạng sang Fullerton. Cả hai có thể chọn hội kiến tại khách sạn Capella hoặc một địa điểm khác trên đảo Sentosa của Singapore. 

Giới quan sát hiện cũng tò mò về chiếc bàn được chọn cho cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim. Một quan chức lễ tân ngoại giao Singapore đã về hưu cho hay, ông từng nhìn thấy một chiếc bàn tròn đủ chỗ cho cả 36 vị khách, nhằm tránh sự thiên vị hay sự không hài lòng về cách bố trí chỗ ngồi. 

Theo Tuấn Anh

VietNamNet

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra