Những nhận định về tính liêm chính của OECD tại Costa Rica

Thứ sáu, 29/07/2022 16:43
(ThanhtraVietNam) - Costa Rica là nền dân chủ lâu đời nhất ở Mỹ Latinh. Nhìn chung, quốc gia này đang đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực quản trị công, liêm chính và tham nhũng so với các nước trong khu vực và với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, Costa Rica gần đây đã phải đối mặt với một số vụ án tham nhũng cấp cao và cần phải củng cố các lợi ích dân chủ, bảo vệ lòng tin vào Chính phủ và xây dựng khả năng phục hồi kinh tế.

Đảm bảo một hệ thống liêm chính có sự phối hợp và thống nhất

Costa Rica hiện đang thiếu một khuôn khổ chiến lược để đảm bảo sự phối hợp giữa tất cả các bên tham gia. Mặc dù chiến lược quốc gia về liêm chính và phòng, chống tham nhũng (ENIPC) gần đây đã nêu bật lợi ích của công tác phối hợp, nhưng cũng đặt ra những thách thức liên quan đến thể chế hóa sự hợp tác. Hơn nữa, việc thực hiện thống nhất các tiêu chuẩn liêm chính tại quốc gia này cũng trở nên khó khăn do mức độ tự chủ và độc lập khác nhau giữa các ngành, các cấp chính quyền và giữa các đơn vị trong cơ quan hành chính nhà nước...

Theo đánh giá của OECD, Costa Rica có thể thành lập một ủy ban điều phối thường trực bao gồm các bên liên quan và thực hiện cách tiếp cận toàn xã hội để chống tham nhũng. Quốc gia này có thể thúc đẩy việc lồng ghép các chính sách liêm chính vào toàn bộ nền hành chính công bằng cách tăng cường hoạt động của Ủy ban Định chế về đạo đức và giá trị (CIEV) và Ủy ban Giá trị quốc gia (CNEV).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Xây dựng Chiến lược quốc gia về liêm chính và phòng, chống tham nhũng (ENIPC)

Nhờ cung cấp một tầm nhìn dài hạn được xây dựng dựa trên sự đồng thuận cao, ENIPC được xem là một bước quan trọng hướng tới một hệ thống liêm chính bền vững và mạnh mẽ ở Costa Rica. Tuy nhiên, ENIPC hiện còn thiếu sự rõ ràng về việc thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động mà ENIPC đề xuất.

Theo OECD, thông qua Bộ Kế hoạch và Chính sách kinh tế quốc gia (MIDEPLAN), Costa Rica có thể đảm bảo việc đưa những quy định về liêm chính vào Kế hoạch Phát triển quốc gia 2022-2026, ưu tiên cam kết cải thiện sự phối hợp giữa các bên trong hệ thống liêm chính và có sự tham gia xây dựng chính sách quốc gia về phòng, chống tham nhũng, theo ưu tiên của ENIPC. Ngoài ra, Costa Rica cần đảm bảo thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá hiệu quả ENIPC và các chính sách liêm chính trong tương lai.

Tăng cường quản lý xung đột lợi ích

Khung pháp lý của Costa Rica về quản lý xung đột lợi ích còn rời rạc. Chỉ các lệnh cấm và trừng phạt chung mới được đưa ra, trong khi đó không có định nghĩa rõ ràng về xung đột lợi ích, điều này chính là nguyên nhân làm suy yếu sự phát triển của hệ thống tổng thể nhằm ngăn chặn và quản lý xung đột lợi ích.

OECD cho biết, Costa Rica có thể tăng cường các quy định về tính liêm chính để làm cơ sở cho việc quản lý xung đột lợi ích, bao gồm việc thống nhất các quy định và tiêu chuẩn liên quan thành một thể chế thống nhất.

Tăng cường tính minh bạch và liêm chính trong quá trình ra quyết định

Costa Rica hiện đang thiếu các hành lang cần thiết để đảm bảo quá trình ra quyết định công khai, minh bạch. Do đó, Costa Rica có thể áp dụng một khuôn khổ mạnh mẽ, hiệu quả và linh hoạt cho các hoạt động vận động hành lang và tạo ảnh hưởng, đảm bảo tính minh bạch về mọi nỗ lực nhằm tác động đến quá trình hoạch định chính sách trên tất cả các lĩnh vực. Khuôn khổ này bao gồm các quy định cho cả cán bộ công quyền và tất cả các nhóm lợi ích có liên quan đến Chính phủ.

Costa Rica có thể củng cố các quy tắc hiện có về tính minh bạch và liêm chính trong các quy trình bầu cử bằng cách chỉ định giới hạn đóng góp và chi tiêu cũng như áp dụng các quy định về quảng cáo trên phương tiện truyền thông trực tuyến, OECD nhận định.

Phát triển một hệ thống kỷ luật chặt chẽ

Khuôn khổ pháp lý và thể chế của Costa Rica trong việc thực thi kỷ luật rất phân tán liên quan đến các thủ tục áp dụng cho công chức và tổ chức khác nhau và các hành vi vi phạm được nêu trong các quy định khác nhau. Ngoài ra, không có hướng dẫn tập trung nào về các vấn đề kỷ luật có thể đảm bảo việc thực hiện thống nhất các quy tắc và quy trình trong khu vực công. Những thiếu sót này dẫn đến sự thiếu nhất quán, làm giảm hiệu quả và cuối cùng là sự công bằng của các cơ chế thực thi kỷ luật thiếu sự chắc chắn về mặt pháp lý.

Trước thực trạng trên, OECD đánh giá, Costa Rica có thể xem xét phát triển một bộ quy tắc kỷ luật chung để hợp lý hóa khung kỷ luật tổng thể trong khu vực công và đảm bảo tính công bằng, rõ ràng và mức độ trách nhiệm kỷ luật được thực thi một cách nhất quán. Các quy tắc cần đưa ra hướng dẫn một cách hài hòa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Sáng kiến này có thể được hỗ trợ thêm bằng cách nâng cao năng lực của các cán bộ chịu trách nhiệm về thủ tục kỷ luật thông qua đào tạo chuyên ngành về các vấn đề kỷ luật./.

Dương Nguyễn (Theo OECD)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra