Những nỗ lực cải cách kinh tế bị đe dọa bởi bê bối tham nhũng
Thứ hai, 24/04/2017 08:40 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Những nỗ lực của chính phủ Brazil nhằm thúc đẩy gói cải cách “thắt lưng buộc bụng” đang vấp phải những thách thức lớn chưa từng thấy sau khi bê bối tham nhũng bị phanh phui làm suy yếu vị thế của Tổng thống nước này Michel Temer (Mi-sen Tê-mê).
Chính quyền của Tổng thống Michel Temer đang nỗ lực thông qua biện pháp cải cách mới gây nhiều tranh cãi và vấp phải sự chỉ trích về nhiều mặt, đặc biệt là quy định nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu lên 65 đối với nam giới và 62 đối với nữ giới bất chấp thâm niên công tác. Trong khi đó, Tổng thống Temer cảnh báo nếu không có các biện pháp hạn chế chi tiêu công, quốc gia Nam Mỹ này sẽ rơi vào cảnh "vỡ nợ".
Theo ông Temer, Brazil cần phải tiến hành cải cách thị trường sau hơn 1 thập kỷ dưới sự lãnh đạo của chính quyền cánh tả và đây là cách duy nhất đưa Brazil thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này. Ông cũng nói rằng nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi của mình từ nay đến khi cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10/2018 sẽ chú trọng vào cam kết trên thay vì đạt được những mục tiêu ngắn hạn.
Cảnh sát Brazil đã bao vây tòa nhà Quốc hội để phản đối đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu của lực lượng này. Công đoàn Cảnh sát Brazil cho rằng chính phủ đã đưa ra cải cách mà không cân nhắc các yếu tố đặc thù nghề nghiệp của lực lượng này như mức độ nguy hiểm cao hơn, trong khi tuổi thọ thấp hơn so với các ngành nghề khác. Trong khi đó, áp lực cũng gia tăng từ chính các nghị sỹ quốc hội. Trong một động thái bất thường đi ngược lại mong muốn của ông Temer, Hạ viện Brazil cùng ngày 18/4 đã bác bỏ gói cải cách luật lao động. Tuy nhiên, Hạ viện đã đảo ngược quyết định này vào ngày 19/4 sau cuộc thảo luận căng thẳng, xét đến các cuộc biểu tình rầm rộ tương tự như hồi năm ngoái ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff (Đin-ma Rút-xép) bị phế truất.
Vị thế của Tổng thống Temer tiếp tục bị “lung lay” sau khi Tòa án tối cao Brazil hồi tuần trước ra quyết định mở cuộc điều tra đối với khoảng 100 chính trị gia, 1/3 trong số đó là thành phần nội các của Tổng thống Temer và nhiều đồng minh của ông trong Quốc hội. Quyết định của Tòa án tối cao dựa trên lời khai của 77 cựu lãnh đạo tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, một trong những công ty có liên quan tới đường dây nhận và đưa hối lộ trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Ông Temer hiện chưa bị điều tra, song bị cáo buộc đã chủ trì cuộc họp vào năm 2010, trong đó đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của Tổng thống Temer đã nhận 40 triệu USD từ phía Odebrecht.
Những cáo buộc này làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, bất chấp Tổng thống Temer phủ nhận dính líu tới vụ tham nhũng. Người đứng đầu Ủy ban giám sát các cuộc cải cách Brazil và cũng là đồng minh của ông Temer, nhận định cuộc khủng hoảng này sẽ không đẩy nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này rơi vào thế hiểm nghèo./.
Dương Thái